Vì sao cần cho trẻ bú đêm? Bé không bú đêm liệu có bị suy dinh dưỡng?
Nội dung tóm tắt
Mỗi bà mẹ và mỗi đứa trẻ đều là những cá thể khác nhau, do đó thời gian bú của mỗi đứa trẻ cũng sẽ khác nhau. Bé cưng nhà bạn có thể bú khoảng 6 đến 8 cữ trong một ngày. Một số bé có thể chỉ bú vào ban ngày, trong khi một số khác lại bú cả vào ban đêm. Việc thức dậy và cho trẻ bú đêm có thể khiến không ít bà mẹ bỉm sữa mệt mỏi.
1. Vì sao trẻ cần phải bú đêm?
Trẻ bú đêm đều đặn không chỉ hỗ trợ tối đa cho sự tăng trưởng của trẻ mà còn đem lại cho mẹ nhiều lợi ích bất ngờ.
Có nhiều lợi ích từ việc cho trẻ bú đêm
1.1. Dạ dày của em bé nhỏ
Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ. Khi sinh ra, dạ dày của trẻ chỉ chứa khoảng 20ml chất lỏng, và tăng dần sau đó. Vì vậy, chỉ trong khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ sau khi bú sữa mẹ, dạ dày của bé sẽ trống trở lại.
Một buổi đêm thường kéo dài nhiều hơn 5 tiếng. Trong thời gian này, nếu bạn không cho bé bú sữa, sự tăng trưởng của bé sẽ bị gián đoạn. Vì vậy, cho trẻ bú đêm là cực kì cần thiết trong những tháng đầu đời.
1.2. Bé ngủ ngon hơn
Nhịp sinh học trong cơ thể được điều chỉnh bởi các hormone. Những hormone này giúp bé thức dậy khỏe mạnh và đồng thời cho phép một giấc ngủ sâu vào ban đêm.
Sữa mẹ có chứa tryptophan – một loại acid amin được cơ thể sử dụng để tạo ra melatonin. Hormone melatonin có tác dụng điều hòa giấc ngủ. Vì vậy, giấc ngủ của trẻ sẽ diễn ra dài hơn, sâu hơn hơn khi được bú sữa mẹ trước khi ngủ.
1.3. Giấc ngủ của mẹ sâu hơn
Một nghiên cứu chỉ ra rằng những bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ có giấc ngủ nhiều hơn 40 – 45 phút so với những bà mẹ dùng sữa công thức nuôi con. Điều này tạo ra sự khác biệt tương đối lớn ở phụ nữ có tình trạng thiếu ngủ.
1.4. Kiểm soát sinh sản ở người mẹ
LAM là một hình thức kiểm soát sinh sản điển hình có hiệu quả lên đến 98% nếu sử dụng đúng cách.
Khi trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn (cả ngày và đêm) và nếu chu kỳ kinh nguyệt của mẹ không trở lại, bạn có thể tránh thai tự nhiên trong thời gian này. Rất nhiều bà mẹ phát hiện rằng khi ngừng cho bé bú đêm, chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở lại.
1.5. Kích thích tạo sữa nhiều hơn
Cho bé bú vào ban đêm có thể kích thích cơ thể bạn sản sinh ra nhiều sữa mẹ hơn. Điều này được giải thích là vì vào ban đêm, mức độ prolactin – một loại hormone kích thích sản xuất sữa – trong cơ thể sẽ ở nồng độ cao.
Do đó, khi cho bé bú vào thời điểm này, nguồn sữa sẽ được thúc đẩy sản xuất nhiều hơn so với khi cho bé bú vào ban ngày.
2. Cho trẻ bú đêm có an toàn không?
Có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc cho trẻ bú đêm. Một số người tin rằng đây là điều bắt buộc, trong khi một số khác lại cho rằng cho trẻ bú đêm là không an toàn. Việc cho trẻ bú đêm có thể khiến cả mẹ và bé chỉ ngủ được khoảng 3 đến 4 giờ mỗi đêm.
Ngoài ra, việc này cũng có thể khiến bé có nguy cơ nghẹt thở. Bên cạnh đó, đôi lúc người mẹ ngủ quên có thể vô tình chèn ép trẻ, dễ gây nguy hiểm. Những nguy cơ này sẽ cao hơn đối với trẻ sinh non, trẻ thiếu cân và trẻ dưới bốn tháng tuổi.
Với các bé mới sinh, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuần tuổi, hầu hết trẻ đều có nhu cầu bú đêm nhiều bởi lúc này dạ dày của con còn nhỏ, bé cần ăn liên tục để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Do đó, với những trẻ háu ăn nhưng ham ngủ, khi đến cữ bú, mẹ có thể cho bé bú mà không cần đánh thức con dậy. Mẹ có thể nhấc bé ra khỏi cũi, cho bé ăn, thay tã và đặt bé ngủ trở.
Cho bé bú đêm có an toàn không?
Tuy nhiên, khi cho con bú trong trạng thái bé còn ngủ, mẹ nên để ý lực mút của bé. Nếu lực mút quá nhẹ thì khả năng cao là con không thực sự bú, chỉ mút ti mẹ vì quán tính nên lượng sữa mà con nhận được sẽ rất ít. Do đó, mẹ có thể cho bé bú bù vào cữ bú sau hoặc tăng số lần bú trong thời gian con thức. Lưu ý là mẹ nên đảm bảo mỗi đêm con bú được khoảng 3 – 4 cữ. Bằng cách này, bé sẽ thấy no và ngủ mỗi đêm ít nhất được khoảng 5 giờ.
Từ 6 tháng trở đi, khi bé đã bắt đầu bước vào thời kỳ ăn dặm thì mẹ nên ngừng cho bé bú đêm hoặc giảm số cữ cho bú đêm xuống. Điều này sẽ có lợi cho quá trình ăn dặm cũng như ăn sữa vào ban ngày của bé.
3. Bé không bú đêm có suy dinh dưỡng?
Câu trả lời là tùy thuộc vào độ tuổi phát triển của bé.
Trước khi có thể ăn dặm, nguồn dinh dưỡng chính của bé là sữa mẹ. Do đó, việc cho bé bú đầy đủ cữ sữa cũng như cho bé bú đêm là vô cùng quan trọng cho sự tăng trưởng của bé suốt thời gian này. Bé không chịu bú đêm có khả năng tăng cân thấp hơn và yếu hơn so với những trẻ được uống sữa mẹ đầy đủ, nguy cơ bị suy dinh dưỡng cũng cao hơn.
Tuy nhiên, sau khi bắt đầu ăn dặm, nguồn dinh dưỡng của bé đã không còn tập trung hoàn toàn vào sữa mẹ, nhưng sữa mẹ vẫn là chủ yếu. Vì vậy, vấn đề bú đêm không có tác động quá mạnh mẽ vào sự tăng trưởng của bé, miễn là bé nhận đủ chất và năng lượng để tăng cân trong suốt cả ngày.
4. Có nên đánh thức bé dậy vào ban đêm để bú không?
Trẻ sơ sinh thường tự thức dậy và đòi bú. Đây là quá trình rất tự nhiên của trẻ. Thế nên việc đánh thức bé dậy bú là không cần thiết. Nhưng nếu bé có thói quen ngủ một giấc dài từ 4 đến 5 giờ, bạn cần theo dõi chặt chẽ. Chỉ khi nào bác sĩ khuyên bạn phải cho bé đúng cữ thì bạn mới đánh thức bé dậy và cho bé bú. Trường hợp này thường gặp ở các bé sinh non hoặc bé thiếu cân.
Việc đánh thức bé dậy để bú là không cần thiết
Khi nào nên ngừng cho con bú đêm?
Khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, bạn có thể cai sữa ban đêm cho bé dần dần. Hãy cho bé ăn no suốt cả ngày để bé không cảm thấy đói vào ban đêm. Nếu cần, bạn có thể cho bé ăn thêm trước khi ngủ để đảm bảo bé không bị đói. Ngoài ra, bạn có thể nhờ chồng phụ dỗ bé vào ban đêm khi bé thức dậy và đòi bú. Các ông chồng thường cảm thấy hơi bị bỏ rơi trong giai đoạn này và điều này sẽ giúp tình cảm cha con được thắt chặt hơn.
5. Lời khuyên khi cho trẻ bú đêm dành cho các bà mẹ
Dưới đây là một số lời khuyên mà bạn có thể thử để việc cho con bú vào ban đêm diễn ra thoải mái hơn:
- Cho bé bú trong tư thế nằm nghiêng: Bạn nên làm quen với tư thế này càng sớm càng tốt. Bạn chỉ cần nằm nghiêng về một phía với 2 chiếc gối kê dưới đầu. Bế bé nằm nghiêng sao cho cằm bé chạm vào ngực.
- Cho bé bú ở tư thế ngồi: Ngồi ở tư thế thoải mái với vài chiếc gối dựa sau lưng. Sau đó, bế bé lên gần bầu ngực và cho bé bú.
- Cho bé ngủ gần với bạn: Bạn có thể đặt cũi của bé trong phòng ngủ của mình. Việc ở gần bé không chỉ dễ cho bé bú mà còn giúp bạn tránh khỏi những rắc rối khi bé tỉnh giấc và không chịu ngủ trở lại.
- Tránh nhìn vào đồng hồ: Việc nhìn vào đồng hồ thường xuyên sẽ khiến bạn cảm thấy bực bội vì thời gian trôi lâu. Một số bà mẹ nhìn đồng hồ thường xuyên còn có cảm giác cô đơn, buồn bã. Thay vì vậy, hãy quên chiếc đồng hồ đi và suy nghĩ tích cực.
- Không mở đèn: Không bao giờ bật đèn sáng trong phòng khi cho trẻ bú vào ban đêm. Giữ phòng tối hoặc chỉ mở đèn ngủ và yên tĩnh để bé có thể ngủ lại ngay sau khi bú no. Nếu cần ánh sáng, hãy chuẩn bị một chiếc đèn pin nhỏ hoặc sử dụng đèn có ánh sáng dịu.
- Quần áo ngủ thoải mái: Bạn cũng nên mặc một chiếc váy ngủ thoải mái với phần ngực có thể mở ra dễ để cho bé bú.
Mặc quần áo thoải mái khi cho con bú
- Chuẩn bị một ít đồ ăn nhẹ và các vật dụng cần thiết: Chuẩn bị sẵn một chai nước, đồ ăn nhẹ, tã cho trẻ và bất cứ thứ gì bạn có thể cần đến trong đêm ngay trong tầm tay. Bằng cách này, bạn có thể tránh được việc phải lọ mọ đi kiếm những thứ lặt vặt trong đêm. Nếu ngực bị rỉ sữa, hãy để sẵn một chiếc khăn sạch để dễ vệ sinh.
- Ngủ vào ban ngày: Hãy ngủ bất cứ lúc nào có thể trong ngày. Nếu có thể tranh thủ ngủ khi bé ngủ trưa, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi phải thức dậy cho trẻ bú đêm.
Xem thêm: Tại sao trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ? Có cần gặp bác sĩ không?