Thoái hoá khớp háng và những điều cần biết
Nội dung tóm tắt
Bệnh thoái hóa khớp háng thường gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi. Bệnh gây đau, biến đổi cấu trúc khớp, có thể dẫn đến tàn phế nếu không được điều trị tích cực.
1. Thoái hoá khớp háng là gì?
Khớp háng là phần được bao phủ bởi sụn khớp có cấu trúc đàn hồi và trơn láng, có tác dụng làm mặt phẳng đệm giúp hai đầu xương trượt lên nhau và dễ dàng di chuyển. Trên bề mặt khớp được bao phủ một lớp màng hoạt dịch. Theo thời gian, quá trình thoái hóa tự nhiên và tác động cơ học khiến sụn khớp và xương dưới sụn tổn thương. Điều này khiến sụn khớp dần dần mất đi chức năng và dẫn tới tình trạng thoái hóa khớp háng.
Thoái hoá khớp háng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống
Thoái hóa khớp háng là bệnh lý chủ yếu gặp ở người lớn tuổi, là hậu quả của tuổi tác và tình trạng mài mòn khớp kéo dài. Bệnh nhân thoái hóa khớp háng thường bị đau đớn kéo dài, cấu trúc khớp bị biến đổi và thậm chí là tàn phế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống cũng như tạo thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nếu được chẩn đoán, điều trị sớm, bệnh sẽ phát triển chậm lại, giảm triệu chứng đau đớn, bệnh nhân khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ tàn phế.
2. Phân loại thoái hoá khớp háng
Thoái hoá khớp háng có 2 loại chính: nguyên phát và thứ phát
Thoái hóa khớp háng nguyên phát: chiếm 50% trường hợp, hay gặp ở người trên 60 tuổi.
Thoái hóa khớp háng thứ phát: được phân thành các dạng nhỏ sau:
- Thoái hóa khớp háng sau chấn thương như: gãy cổ xương đùi, trật khớp háng hoặc vỡ ổ cối.
- Thoái hóa khớp háng sau biến dạng mắc phải coxa plana hoặc sau khi bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi.
- Thoái hóa khớp háng trên nền dị dạng cũ: trật khớp háng, thiểu sản khớp háng,…
3. Nguyên nhân thoái hoá khớp háng
Người bị thoái hoá khớp háng thường là người cao tuổi
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp háng, bao gồm nguyên nhân nguyên phát (chủ yếu gặp ở người cao tuổi, chiếm tỉ lệ cao nhất) và nguyên nhân thứ phát. Nguyên nhân thứ phát gồm:
- Tiền sử khớp háng bị viêm do thấp khớp, viêm khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp do lao.
- Chấn thương khớp háng do lao động, tập luyện, chơi thể thao, ngã khi leo cầu thang,…
- Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi không được điều trị dứt điểm nên khi bước sang tuổi trung niên dễ bị thoái hóa khớp háng.
- Thoái hóa khớp háng do từ khi sinh ra đã có cấu tạo bất thường ở khớp háng hoặc chi dưới.
- Thoái hóa khớp háng do biến chứng của các bệnh khác như gút, đái tháo đường, bệnh huyết sắc tố,…
4. Nhận biết bệnh thoái hoá khớp háng
Bệnh thoái hóa khớp háng thường gây ra một số triệu chứng phổ biến sau đây:
- Người bệnh thường đi khập khiễng, đi lại khó khăn vì khớp háng phải chịu áp lực cơ thể nhiều nhất.
- Người bệnh bị đau vùng bẹn, có thể lan xuống đùi, ra sau mông, khớp gối, vùng mấu chuyển xương đùi.
- Những cơn đau thường tăng lên khi người bệnh đứng hoặc cử động lâu.
- Người bệnh hay cảm thấy mệt mỏi và tê cứng khớp háng khi co duỗi hay khi vận động.
- Giảm tầm hoạt động của khớp háng, người bệnh cảm thấy khó khăn khi ngồi xổm, đi vệ sinh, buộc dây giày,…
- Bệnh nhân thường bị đau nhức mỗi khi gập người, dạng háng hoặc vận động xoay người, đau sẽ giảm dần khi nghỉ ngơi.
Người bệnh thường cảm thấy đau nhức vùng bẹn
- Khi bệnh tiến triển nặng sẽ xuất hiện những cơn đau vào buổi sáng khi ngủ dậy.
- Người bệnh xuất hiện những cơn đau khi đột ngột đổi tư thế từ ngồi sang đứng, khi di chuyển.
Đối tượng nguy cơ bệnh thoái hóa khớp háng
Yếu tố nguy cơ gây ra thoái hóa khớp háng bao gồm:
- Tuổi tác: tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn.
- Béo phì.
- Khớp háng bị tổn thương hoặc hoạt động quá sức.
- Dị tật bẩm sinh khớp háng.
- Di truyền: gia đình có bố hoặc mẹ mắc bệnh thì nguy cơ mắc thoái hóa khớp háng cũng sẽ cao hơn nhiều lần so với người khác.
5. Chẩn đoán và điều trị thoái hoá khớp háng
5.1. Chẩn đoán
– Khám lâm sàng.
Hình ảnh chụp X-quang khớp háng
– Hình ảnh X-quang:
- Hẹp khe khớp: dấu hiệu chứng tỏ mòn sụn khớp.
- Mọc gai xương: phát triển ở tất cả các vị trí, ở cả chỏm xương đùi và xương chậu, chính điều này giải thích tại sao các động tác của khớp háng bị hạn chế.
- Đặc xương dưới sụn: quan sát được ở vùng chịu lực tỳ đè lớn.
- Khuyết xương: cũng thường gặp, đôi khi có kích thước lớn.
– Chụp CT scanner hoặc MRI (tùy trường hợp).
5.2. Điều trị
Điều trị nội khoa
- Các thuốc giảm đau, chống viêm
- Giữ cân nặng cơ thể hợp lý
- Dùng các thiết bị hỗ trợ quá trình di chuyển đồng thời giúp cải thiện chức năng của các khớp như: nạng, xe tập đi, gậy…
- Tập vật lý trị liệu: các bài tập thường có tác dụng giúp tăng cường lưu thông máu, tăng cường sự linh hoạt của các khớp và tăng cường cơ bắp xung quanh hông. Các bài tập được chuyên gia hướng dẫn dành riêng cho bệnh nhân thoái hóa khớp háng bao gồm:
- Bài tập nâng chân cao: Nằm sấp, hai tay chống thẳng lên, hai mũi chân chạm mặt sàn. Người bệnh thoái hóa khớp háng để hai đầu gối chạm xuống đất, từ từ nâng hai chân tạo với mặt sàn một góc 90 độ. Giữ tư thế này trong vòng 10 giây rồi lặp lại trong 10 phút mỗi ngày.
Bài tập kéo gối
- Bài tập kéo gối: Nằm ngửa, hai đầu gối co lại. Dùng tay kéo đầu gối áp sát vào ngực. Giữ tư thế này trong vòng 10 giây, cần tập hàng ngày để thấy hiệu quả.
Điều trị ngoại khoa
Được áp dụng khi các biện pháp nội khoa không có hiệu quả, khả năng vận động bị suy giảm nghiêm trọng với mục đích chính là giảm đau và cải thiện chức năng vận động của khớp háng. Có ba phương pháp đang được áp dụng hiện nay:
- Cắt bỏ xương để hạn chế hình thành gai xương hoặc biến dạng khớp. Nhờ đó mà bệnh nhân có thể vận động bình thường.
- Thay một phần khớp háng được tiến hành khi khớp háng chỉ hư một phần và sụn đã bị bào mòn.
- Thay toàn bộ khớp háng được tiến hành để thay khớp háng nhân tạo, có chức năng tương tự như khớp háng tự nhiên.Thường chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh rất nặng, có triệu chứng đau nhiều và thường là trên 60 tuổi.
Khi điều trị bằng các biện pháp nội khoa không có hiệu quả thì sẽ có chỉ định điều trị ngoại khoa
Chỉ định thay khớp háng toàn phần:
Những bệnh lý có thể làm tổn thương khớp háng:
- Viêm xương khớp: làm tổn thương mặt sụn bao bọc đầu xương tại vị trí của khớp.
- Viêm khớp dạng thấp: gây ra bởi sự phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch, tổn thương do viêm của bệnh lý này có thể ăn mòn xương và làm biến dạng khớp.
- Hoại tử xương: nếu không có đủ máu nuôi đến vùng khớp háng, xương vùng này có thể bị lún và làm biến dạng khớp.
Thoái hóa khớp háng nặng:
- Kéo dài, không đáp ứng với thuốc giảm đau.
- Đau tăng khi đi lại, ngay cả khi đã chống gậy.
- Đau khiến người bệnh mất ngủ.
- Đau khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi lên hoặc xuống cầu thang.
- Đau khiến người bệnh khó đứng dậy được khi đang ngồi.
Biến chứng khi thay khớp háng toàn phần:
Biến chứng có thể xảy ra với mọi phẫu thuật là phản ứng không mong muốn với thuốc gây mê, chảy máu nhiều hoặc tạo cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch sâu).
Riêng với thay khớp háng toàn phần, người bệnh còn có thể gặp các biến chứng sau:
- Nứt xương đùi.
- Tổn thương thần kinh xung quanh khớp háng.
- Nhiễm trùng khớp háng.
- Lỏng khớp.
- Trật khớp.
- Chiều dài hai chân chênh lệch.
Thay khớp háng là giải pháp “cứu cánh” cho căn bệnh này, khi các biện pháp điều trị khác không phát huy tác dụng. Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo giúp người bệnh cải thiện chức năng vận động khi bị thoái hóa khớp háng, tạo thuận lợi cho người bệnh tái hòa nhập với cuộc sống thường ngày của gia đình và cộng đồng.
Thay khớp háng khi bị tổn thương nặng nề
Tuy nhiên khi thay khớp háng toàn phần, phần khớp háng nhân tạo không thể hoàn thiện như khớp háng thật của con người, do đó để bảo vệ tốt khớp nhân tạo và phòng ngừa những tai biến có thể xảy ra trước mắt cũng như lâu dài, việc phục hồi chức năng sớm là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Sau khi thực hiện thay khớp háng toàn phần, người bệnh có thể về nhà sau 5 đến 10 ngày, dùng nạng hoặc khung tập đi trong vài tuần. Tập luyện đều đặn sẽ giúp người bệnh quay trở lại với các hoạt động bình thường sớm nhất có thể. Hầu hết các trường hợp hồi phục hoàn toàn và đa phần phẫu thuật thay khớp háng toàn phần đều có kết quả tốt.
6. Biện pháp phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp háng
Dưới đây là những lời khuyên của chuyên gia giúp mọi người phòng ngừa tình trạng thoái hóa khớp háng xảy ra:
- Bạn cần có chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như sữa, tôm, ốc, cua, dầu cá, …
Sử dụng các loại thực phẩm giàu canxi
- Phòng ngừa thoái hóa khớp háng bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng hằng ngày.
- Đối với những người thừa cân, béo phì thì cần tập ăn uống điều độ để giữ một thân hình vừa phải giúp giảm sức ép lên khớp háng.
- Nếu gặp chấn thương, bệnh viêm hoặc tật bẩm sinh khớp háng thì bạn nên điều trị càng sớm càng tốt.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc chống viêm, thuốc giảm đau.
- Không nên lạm dụng thuốc có corticoide, tuyệt đối sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
- Bạn cố gắng tránh gặp phải những chấn thương ở khớp háng như trật khớp háng, gãy cổ xương đùi.
- Người bệnh luôn duy trì một tâm lý thoải mái, đi ngủ đủ giấc.
- Điều trị triệt để các bệnh gây nguy cơ thoái hóa khớp háng như gout, tiểu đường, lupus ban đỏ,…
Bệnh thoái hóa khớp háng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị tích cực. Vì vậy, nếu có những dấu hiệu nghi ngờ thoái hóa khớp háng, người bệnh nên sớm đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán bệnh và đưa ra phương hướng điều trị hiệu quả.