Những dạng viêm khớp gối thường gặp
Nội dung tóm tắt
Khớp gối là nơi tiếp giáp của ba xương chính, gồm: xương đùi, xương bánh chè và xương ống chân. Giữa các đầu xương có một lớp sụn bao phủ. Bệnh viêm khớp gối hay gặp ở nhiều đối tượng. Mỗi người nên tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị sớm, tránh để bệnh tiến triển nặng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình vận động của cơ thể.
1. Thế nào là bệnh viêm khớp gối ?
Bệnh viêm khớp gối là tình trạng mà trong đó lớp đệm tự nhiên giữa các đầu xương bị hao mòn khiến cho cử động khớp gối trở nên khó khăn hơn. Nó rất có thể nhiều biến chứng và khiến bạn khó chịu nếu không chữa trị kịp thời. Không chỉ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, mà các thói quen sinh hoạt hàng ngày của bạn cũng sẽ bị viêm khớp gối làm ảnh hưởng.
Viêm khớp gối có nhiều dạng khác nhau nhưng điều tác động tiêu cực đến sức khoẻ người bệnh
Xem thêm: Viêm khớp gối là gì? Điều trị như thế nào?
2. Các dạng viêm khớp gối phổ biến
2.1. Thoái hoá khớp gối
Thoái hóa khớp gối là hiện tượng xảy ra những thương tổn trước hết trên bề mặt sụn khớp. Theo thời gian, sụn khớp bị bào mòn, trở nên xù xì và mỏng, mất tính đàn hồi, không bảo vệ được đầu xương. Sau đó xảy ra những biến đổi ở bề mặt khớp, tăng sự lắng đọng canxi hình thành các gai xương, cuối cùng dẫn đến các biến dạng khớp, làm hư khớp.
Thoái hoá khớp gối là những tổn thương bề mặt sụn khớp gối
2.1.1. Triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp gối
Để chẩn đoán thoái hóa khớp gối, bác sĩ cần theo dõi diễn biến của bệnh, thăm khám khớp gối và toàn thân:
– Giai đoạn khởi phát: người bệnh có cơn đau ở mặt trước và trong khớp gối, nghe tiếng lụp cụp hoặc lạo xạo khi gấp duỗi. Tuy nhiên cơn đau thoáng qua và biểu hiện mơ hồ nên người bệnh không để ý.
– Giai đoạn giữa: Người bệnh đau tăng khi vận động, đặc biệt khi chuyển từ tư thế ngồi sang đứng, đi lại, lên xuống cầu thang, cơn đau giảm lúc nghỉ ngơi. Có hiện tượng cứng khớp buổi sáng kéo dài trong 30 phút hoặc ít hơn. Hầu như người bệnh không đi khám ngay mà chỉ dùng thuốc kháng viêm, giảm đau.
– Giai đoạn thương tổn: Đứng lên ngồi xuống cực kỳ khó khăn, không thể lên cầu thang do mức độ khô khớp nặng. Tiếng kêu cọt kẹt, rột roạt trong khớp càng lớn.
2.1.2. Biến chứng nguy hiểm của thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối gây nguy hiểm khi tiến triển thành những biến chứng, làm suy giảm chức năng vận động:
- Cứng khớp.
- Hạn chế vận động, đi lại khó khăn, thậm chí phải sử dụng nạng.
- Biến dạng khớp gối, chi dưới bị cong, vẹo vào trong hoặc ra ngoài.
- Teo cơ.
- Bại liệt, tàn phế, phải dùng đến xe đẩy hoặc ngồi xe lăn để hỗ trợ đi lại
2.2. Viêm khớp gối dạng thấp
Viêm khớp gối dạng thấp hay còn gọi là viêm đa khớp dạng thấp, là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô trong chính cơ thể. Bệnh gây viêm (đỏ, sưng) dẫn đến đau, xơ cứng và sưng khớp gối. Viêm khớp gối dạng thấp không chỉ phá hủy làm tổn thương đến hệ khớp của còn thể mà có thể làm tổn thương đến cả hệ thống cơ thể bao gồm da, mắt, phổi, tim và mạch máu.
Viêm khớp gối dạng thấp nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nặng nề
2.2.1. Triệu chứng của viêm khớp gối dạng thấp:
Viêm khớp gối dạng thấp bao gồm 4 giai đoạn sau:
- Giai đoạn I: Viêm màng trên khớp dẫn đến sưng khớp và đau khớp. Các tế bào miễn dịch di chuyển đến vùng viêm dẫn đến số lượng tế bào tăng cao trong dịch khớp.
- Giai đoạn II: Ở mức độ vừa phải, trong giai đoạn II này có sự gia tăng và làn truyền của viêm trong mô. Mô xương bắt đầu phát triển ảnh hưởng đến không gian khoang khớp và trên sụn, dần dần phá hủy sụn khớp và khớp bắt đầu thu hẹp do mất sụn.Trong giai đoạn này, thường không có dị dạng khớp,
- Giai đoạn III: Đây là giai đoạn nặng. Sự mất đi sụn khớp trong các khớp bị tổn thương làm lộ xương dưới sụn. Bệnh nhân thường đau khớp, sưng tấy, hạn chế chuyển động, cứng khớp vào buổi sáng, suy nhược cơ thể, teo cơ, hình thành các nốt sẩn dị dạng.
- Giai đoạn IV: Giai đoạn IV được gọi là giai đoạn cuối của bệnh viêm khớp gối dạng thấp. Ở giai đoạn này, quá trình viêm giảm đi và hình thành các mô xơ và xương chùng (xương kết hợp) dẫn đến việc ngừng chức năng khớp.
Triệu chứng phổ biến của viêm khớp gối dạng thấp phần lớn là đau khớp và xơ cứng khớp, nặng nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc sau khi ngồi bất động trong khoảng thời gian dài. Tình trạng xơ cứng khớp thường đỡ hơn sau khi cử động nhiều lần. Triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột và nhanh hết.
Những triệu chứng khác bao gồm: bỏng hoặc ngứa mắt, mệt mỏi, nổi nhọt ở chân, chán ăn, ngứa ran và tê, nhịp thở ngắn, nốt sần da, yếu và sốt cao. Khớp có thể bị đỏ, sưng tấy, nóng, mềm và biến dạng khớp.
2.2.2. Biến chứng viêm khớp gối dạng thấp
Viêm khớp gối dạng thấp cần được chữa trị sớm, toàn diện, theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, việc điều trị thường gặp nhiều khó khăn do bệnh tiến triển khá nhanh, rất khó điều trị dứt điểm và thường gây ra nhiều biến chứng nặng nề ở xương khớp gối cũng như nhiều cơ quan khác trên cơ thể:
- Mất khả năng lao động: Hiện tượng cứng khớp dẫn đến hạn chế khả năng vận động, giảm sức đề kháng cơ thể, đau đớn kéo dài ngày càng nghiêm trọng…
- Nguy cơ tàn phế: Viêm khớp gối dạng thấp lâu ngày có thể dẫn tới teo cơ, dính khớp, biến dạng khớp, thậm chí gây ra tàn phế. Có khoảng 89% người bệnh gặp phải tình trạng cứng khớp, khó đi lại sau 10 năm khởi phát bệnh.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: xảy ra biến chứng tim mạch, đe dọa tử vong nếu không được theo dõi chặt chẽ.
2.3. Viêm khớp gối sau chấn thương
Viêm khớp gối sau chấn thương xảy ra do một chấn thương vật lý đối với khớp gối
Triệu chứng của viêm khớp gối sau chấn thương:
Viêm khớp gối sau chấn thương là do sự hao mòn của khớp gối gây ra bởi bất kỳ loại chấn thương vật lý. Chấn thương có thể là do thể thao, tai nạn xe cộ, ngã, tai nạn quân sự hoặc bất kỳ nguồn chấn thương vật lý nào khác.
Chấn thương như vậy có thể làm hỏng sụn hoặc xương, thay đổi cơ học của khớp và làm cho nó bị mòn nhanh hơn. Các triệu chứng của bệnh viêm khớp gối sau chấn thương bao gồm:
- Đau khớp gối.
- Sưng.
- Sự tích tụ chất lỏng trong khớp.
- Giảm khả năng chịu đựng khi đi bộ, thể thao, cầu thang và các hoạt động khác gây căng thẳng cho khớp.
2.4. Bệnh Gout
Bệnh gout (gút) hay còn gọi thống phong, là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc axit uric từ trong máu. Axit uric thường vô hại và được hình thành trong cơ thể, sau đó sẽ được đào thải qua nước tiểu và phân.
Với người bị bệnh gout, lượng axit uric trong máu được tích tụ qua thời gian. Khi nồng độ này quá cao, những tinh thể nhỏ của axit uric được hình thành. Những tinh thể này tập trung lại ở khớp và gây viêm, sưng và đau đớn cho bệnh nhân.
Bệnh gout đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, người bệnh thường xuyên bị đau đớn đột ngột giữa đêm và sưng đỏ các khớp khi đợt viêm cấp bùng phát, đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác ở chân (như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân) và ít gặp hơn ở khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay), cả cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng.
Người mắc bệnh Gout thường xuyên bị đau ở các khớp ngón tay, ngón chân nhưng cũng có thể ảnh hương tới đầu gối
2.4.1. Triệu chứng bệnh Gout
Triệu chứng bệnh gout thường xảy ra đột ngột và vào ban đêm. Trong một số trường hợp, bệnh gout không có dấu hiệu ban đầu. Các biểu hiện của bệnh gút thường xuất hiện khi người bệnh đã từng mắc gout cấp tính hoặc mãn tính.
Các triệu chứng chính của bệnh bao gồm:
- Khớp đau đột ngột, dữ dội, sưng tấy.
- Khớp đau nhiều hơn khi đụng vào.
- Khớp sưng đỏ.
- Vùng xung quanh khớp ấm lên.
2.4.2. Biến chứng của bệnh Gout
Hầu hết các biểu hiện của bệnh gout thường kéo dài vài giờ trong 1–2 ngày. Tuy nhiên, đối với trường hợp nặng, cơn đau có thể xảy ra trong vòng vài tuần. Nếu người bị bệnh gout không dùng thuốc trị gout thường xuyên, các triệu chứng của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn.
- U cục tophi: bệnh này đặc trưng bởi sự tích tụ tinh thể dưới da. Thông thường, các khối này sẽ xuất hiện xung quanh ngón chân, đầu gối, ngón tay và tai. Nếu không được xử lý đúng cách thì u tophi sẽ ngày càng lớn hơn.
- Tổn thương khớp: nếu người bệnh không dùng thuốc trị gout, khớp có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương xương và các khớp khác.
- Sỏi thận: nếu không điều trị gout đúng cách, các tinh thể acid uric không chỉ tích tụ quanh khớp mà còn tích tụ trong thận gây ra sỏi thận.