Động mạch chủ và những bệnh lý thường gặp!
Nội dung tóm tắt
Những bệnh động mạch chủ như: hẹp van động mạch chủ, phình động mạch chủ bụng và bóc tách động mạch chủ thường nguy cơ tử vong cao do bệnh nhân xảy ra các biến chứng như vỡ phình động mạch chủ hoặc dọa vỡ mới đến bệnh viện.
1. Tổng quan về động mạch chủ
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể đưa máu từ tim đi nuôi toàn bộ cơ thể. Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể đưa máu từ tim đi nuôi toàn bộ cơ thể là phần động mạch chủ nằm ở ngực, phía trước cột sống, cấp máu cho tim, não và đầu cổ, cột sống. Kích thước bình thường của động mạch chủ ngực tăng dần cùng với tuổi bệnh nhân và nằm trong khoảng từ 2 đến 3,5 cm.
Động mạch chủ có hai đoạn:
Đoạn động mạch chủ ngực
Động mạch chủ ngực nằm ở phần ngực
Động mạch chủ ngực lại chia ra thêm thành các đoạn động mạch chủ lên, quai động mạch chủ và động mạch chủ xuống.
Đoạn động mạch chủ bụng
Động mạch chủ bụng bao gồm đoạn động mạch chủ trên thận và dưới thận. Quai động mạch chủ cho ra tất cả các nhánh động mạch cánh tay đầu.
Động mạch chủ đóng vai trò chủ yếu trong việc duy trì sự tuần hoàn của máu trong thời kỳ tâm trương sau khi chúng được đẩy vào trong động mạch chủ bởi tâm thất trái trong thời kỳ tâm thu.
2. Các bệnh động mạch chủ thường gặp
Mặc dù có sức mạnh nhất trong hệ thống mạch máu nhưng khi động mạch chủ có những bất thường như phình, giãn thì rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng.
Khả năng chun giãn của động mạch chủ đóng góp chủ yếu vào việc duy trì chức năng bình thường của nó. Tuy nhiên, tính chun giãn và căng phồng lên của động mạch chủ giảm đi cùng với tuổi tác.
Sự thay đổi này xuất hiện ở những người bình thường. Mất khả năng chun giãn và giãn nở làm tăng áp lực mạch thường thấy ở người lớn tuổi và kéo theo là động mạch chủ dần dần giãn ra. Mất sự chun giãn với tuổi tác sẽ tiến triển nhanh hơn ở người có bệnh tăng huyết áp, tăng cholesterol máu hay bệnh động mạch vành so với những người bình thường. Ngược lại, ở những vận động viên, tính chun giãn của động mạch chủ cao hơn những người cùng lứa tuổi khác.
2.1. Hẹp van động mạch chủ
Hẹp van động mạch chủ
Van động mạch chủ là lá van ngăn cách giữa động mạch chủ và tâm thất trái, có nhiệm vụ đóng trong thời kỳ tâm trương ngăn không cho máu đổ ngược từ động mạch chủ về thất trái và mở trong thời kỳ tâm thu để bơm máu từ tâm thất trái lên động mạch chủ vào hệ tuần hoàn. Nếu trong trường hợp van bị tổn thương vì bất cứ lý do gì sẽ dẫn đến tình trạng đóng không kín trong thời kỳ tâm trương gây hở van động mạch chủ, van không mở hết trong thời kỳ tâm thu gây hẹp van động mạch chủ.
Hẹp van động mạch chủ (HC) là nguyên nhân thường gặp nhất gây tắc nghẽn đường tống máu của thất trái. Các nguyên nhân khác bao gồm hẹp dưới van động mạch chủ do màng xơ, hẹp dưới van động mạch chủ do cơ tim phì đại và hẹp trên van động mạch chủ. Đây là căn bệnh phổ biến nhất về van tim, chiếm 1/4 số ca mắc bệnh về van tim với 80% các bệnh nhân hẹp van động mạch chủ là nam giới.
2.2. Phình động mạch chủ
Phình động mạch chủ bụng giai đoạn đầu hầu hết không có triệu chứng gì, thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm hoặc chụp phim cắt lớp vi tính. Tiêu chuẩn chẩn đoán phình động mạch chủ khi một đoạn động mạch chủ giãn ra ít nhất gấp 1,5 lần kích thước bình thường của nó.
Triệu chứng đau vùng bụng, đau thường khu trú tại vùng hạ vị hay phía sau lưng. Cảm giác đau thường liên tục, bứt rứt kéo dài hàng giờ đến nhiều ngày. Ngược lại với đau cơ xương vùng lưng, vận động không ảnh hưởng đến cảm giác đau do phình, mặc dù ở một tư thế nhất định nào đó có thể người bệnh cũng cảm thấy dễ chịu hơn.
Việc xuất hiện những cơn đau mới hay đau tăng lên thường xuất hiện đột ngột có thể báo trước sự giãn thêm ra hoặc đe dọa vỡ phình. Cơn đau trong phình động mạch chủ có đặc điểm như: đau liên miên không dứt, dữ dội và khu trú ở sau lưng hay phần bụng dưới. Cảm giác đau có thể lan xuống vùng bẹn, ra vùng hông, hay xuống chân.
Vỡ phình thực sự kèm theo một cơn đau lưng đột ngột cùng với đau bụng và bụng căng cứng. Hầu hết các bệnh nhân đều có một khối, có thể sờ thấy ở bụng và đập theo nhịp tim kèm theo tụt huyết áp được xem là biểu hiện đặc trưng của phình động mạch chủ bụng.
Phình động mạch chủ bụng
Phình động mạch chủ bụng có các dấu hiệu dọa vỡ, bệnh nhân đột ngột đau bụng dữ dội, tương tự như những tình trạng bệnh lý cấp tính ở bụng khác như cơn đau quặn thận, viêm ruột thừa, hay xuất huyết dạ dày – ruột.
Choáng mất máu và các biến chứng của vỡ phình động mạch chủ có thể xảy ra nhanh chóng. Chảy máu sau phúc mạc có thể biểu hiện bằng tụ máu ở bên sườn và vùng bẹn. Vỡ vào khoang phúc mạc có thể dẫn đến căng cứng bụng, trong khi vỡ vào trong tá tràng biểu hiện bằng xuất huyết dạ dày – ruột ồ ạt. Dòng máu chảy qua chỗ phình bị rối loạn và có thể hình thành các cục máu đông dọc theo thành động mạch. Cục máu đông này cùng với những mảnh xơ vữa động mạch có thể trôi theo dòng máu gây thuyên tắc mạch và ảnh hưởng đến tuần hoàn của các động mạch phía xa.
Tuy nhiên, vỡ phình động mạch chủ là nguy hiểm nhất. Khi vỡ phình động mạch chủ xảy ra thì có tới 80% các trường hợp bị vỡ vào phía sau phúc mạc bên trái và có thể làm hạn chế phần nào sự vỡ ra, trong khi hầu hết các trường hợp còn lại vỡ vào khoang phúc mạc và gây chảy máu không kiểm soát được dẫn đến truỵ tim mạch nhanh chóng.
2.3. Lóc tách động mạch chủ
Lóc tách động mạch chủ (hay còn gọi là bóc tách động mạch chủ, tách thành động mạch chủ) là bệnh khá nặng nề và đang có xu hướng mắc gia tăng. Lóc tách động mạch chủ cấp nằm trong nhóm bệnh của hội chứng động mạch chủ cấp (gồm lóc tách động mạch chủ, tụ máu trong thành, loét xuyên thành, phình động mạch chủ tiến triển nhanh, và chấn thương hoặc do thầy thuốc gây ra).
Lóc tách động mạch chủ cấp nằm trong nhóm bệnh của hội chứng động mạch chủ cấp
Lóc tách động mạch chủ xảy ra khi xuất hiện vết rách nội mạc, dòng máu qua vết rách nội mạc làm bóc tách các lớp áo của động mạch chủ, tạo ra lòng giả và lòng thật, bóc tách lan dọc đường đi của động mạch, có thể lan xuống bụng, lan vào các mạch tạng, mạch chi gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Lóc tách động mạch chủ được coi là cấp khi xảy ra dưới 2 tuần, bán cấp khi thời gian từ 2-8 tuần, mạn tính khi >8 tuần
Lóc tách động mạch chủ được phân loại theo De-Bakey hoặc Stanford. Trong đó phân loại theo Stanford được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng:
- Stanford A (typ A): có lóc tách ở động mạch chủ lên (có thể kèm theo lóc tách ở phần quai hoặc động mạch chủ xuống).
- Stanford B (typ B): không có lóc tách ở phần động mạch chủ lên.
3. Phòng ngừa bệnh động mạch chủ
Kiểm tra huyết áp thường xuyên là cách phòng bệnh động mạch chủ.
Thường xuyên kiểm tra huyết áp
Thay đổi lối sống để hạn chế nguy cơ mắc bệnh lý động mạch chủ cũng như những biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim. Lời khuyên là:
- Ngưng hút thuốc lá và tránh khói thuốc, nói không với rượu bia.
- Tránh xa những loại thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều muối và nhiều đường.
- Ăn nhiều rau củ quả và các loại thực phẩm nhiều chất xơ như ngũ cốc thô, các loại hạt, các loại đậu, trái cây, rau quả xanh,…
- Giảm cân nếu bị thừa cân.
- Dành nhiều thời gian đi bộ, hoạt động thể chất. Tuy nhiên, người bệnh tim mạch cần trao đổi kỹ với bác sĩ để lựa chọn hình thức tập luyện và cường độ phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
- Kiểm tra, điều trị kịp thời những bệnh lý liên quan tới bệnh mạch vành như đái tháo đường, thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,…
- Xây dựng lối sống tích cực, vui vẻ, thanh thản, tránh căng thẳng quá mức, làm việc điều độ,…
Bệnh lý động mạch chủ thường diễn biến rất nhanh với nhiều bệnh lý nguy hiểm đòi hỏi xử trí kịp thời, hiệu quả. Ngày nay, ở Việt nam tuổi thọ tăng cao, dân số người già cũng gia tăng vì vậy người cao tuổi cần chú ý kiểm soát huyết áp, khám bệnh, xét nghiệm máu cơ bản và siêu âm mạch định kỳ nhằm phát hiện sớm các bệnh lý động mạch chủ để đề phòng và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng dễ tử vong.
Phình động mạch chủ bụng và bóc tách động mạch chủ là hai bệnh thường gặp trong số các bệnh lý động mạch chủ nguy cơ tử vong cao do vỡ phình động mạch chủ.
Xem thêm: Hội chứng rò mao mạch hệ thống là gì?