Điều trị và phòng ngừa bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là một dạng viêm gân đặc trưng bởi tình trạng viêm và kích thích gân.Thông thường, việc vận động quá sức hoặc chấn thương sẽ gây ra những vết rách nhỏ ở gân nối khuỷu tay và cẳng tay. Những vết rách này sẽ dẫn đến sưng gân và đau.

Xem thêm: Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là gì?

1. Các biện pháp chẩn đoán bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Việc chẩn đoán tình trạng viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay chủ yếu dựa vào việc khai thác bệnh sử, các yếu tố nguy cơ và các  triệu chứng lâm sàng. Các xét nghiệm cận lâm sàng và phương tiện chẩn đoán hình ảnh giúp ích vào việc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự với bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay như:

  • Thoái hóa khớp khuỷu.
  • Hội chứng ống cổ tay.
  • Viêm bao hoạt dịch khớp khuỷu tay.
  • Bệnh lý chèn ép rễ thần kinh vùng cột sống cổ.
  • Rối loạn thần kinh.

Xét nghiệm bilan viêmXquang vùng khớp khuỷu tay của bệnh nhân viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay đều mang lại kết quả bình thường.

Siêu Âm Chẩn Đoán Tình Trạng Viêm Lồi Cầu Ngoài Xương Cánh TaySiêu âm chẩn đoán tình trạng viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Siêu âm gân cơ vùng khuỷu tay cho hình ảnh gân cơ to hơn, giảm âm hơn bình thường. Đôi khi còn phát hiện tổn thương đứt gân một phần hay hoàn toàn, vôi hóa trong gân, tăng sinh mạch máu dưới phổ doppler.

Chụp cộng hưởng từ MRI: cho hình ảnh chi tiết hơn về các tổn thương của gân cơ, dây chằng vùng khớp khuỷu.

2. Điều trị bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay không khó nhưng cần phối hợp nhiều phương pháp với nhau để mang lại hiệu quả tối ưu nhất.

2.1. Thuốc

Các loại thuốc thường được chỉ định để giúp bệnh nhân giảm đau, giảm viêm tại chỗ và giãn cơ như:

  • Thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, aspirin.
  • Thuốc chống viêm không steroid: có nhiều dạng hoạt chất với các cách dùng khác nhau bao gồm dạng gel dùng bôi ngoài da như diclofenac, profenid; dạng viên dùng theo đường uống như diclofenac, meloxicam, etoricoxib, celecoxib.

Sử Dụng Thuốc Giảm Đau, Kháng Viêm Theo Chỉ Định Của Bác SĩSử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ

  • Corticosteroid: thường dùng đường tiêm tại chỗ, chỉ định khi bệnh nhân đau nhiều, đau kéo dài, không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường hay nhóm thuốc kháng viêm không steroid. Methylprednisolone acetat, bethamethasone là các thuốc thường được sử dụng. Khi tiêm chỉ nên tiêm một liều duy nhất, nếu muốn lặp lại cần dùng cách liều trước đó ít nhất 3 tháng. Việc tiêm trực tiếp thuốc vào nơi tổn thương có các tác dụng phụ như nhiễm trùng, teo da tại vùng tiêm, tổn thương chỗ bám của gân vùng khuỷu.

Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ vì có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, nhất là khi lạm dụng các thuốc giảm đau, kháng viêm trong thời gian dài.

2.2. Các liệu pháp thay thế

Một số liệu pháp thay thế cũng giúp điều trị tình trạng này như:

  • Nghỉ ngơi. Bạn nên ngưng chơi thể thao và các hoạt động lặp đi lặp lại cho đến khi hết đau. Nếu quay trở lại hoạt động quá sớm, bạn có thể làm tình trạng viêm trở nên tồi tệ hơn.
  • Chườm lạnh. Chườm túi nước đá vào khuỷu tay trong 15 – 20 phút mỗi lần, 3 – 4 lần hàng ngày để giảm sưng. Để bảo vệ làn da, bạn nên bọc các túi nước đá trong một chiếc khăn mỏng.

Chườm Lạnh Giúp Giảm Đau, Giảm SưngChườm lạnh giúp giảm đau, giảm sưng

  • Sử dụng nẹp. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên đeo nẹp cho cánh tay bị ảnh hưởng, điều này có thể làm giảm căng cơ và gân.
  • Kéo giãn và tăng cường sức mạnh cho các khu vực bị ảnh hưởng. Bác sĩ có thể đề nghị bạn tập các bài tập kéo giãn và tăng cường sức mạnh cho các cơ ở tay. Hiệu quả của các bài tập kéo giãn đối với sức mạnh của gân đã được chứng minh. Các liệu pháp trị liệu và nghề nghiệp khác cũng có thể có hiệu quả

Khi cơn đau không còn nữa, bạn hãy bắt đầu các hoạt động lặp đi lặp lại một cách từ từ. Nếu chơi thể thao, bạn có thể nhờ người có kinh nghiệm để hướng dẫn các động tác một cách chính xác.

2.3. Phẫu thuật

Chỉ định khi các phương pháp kể trên không đem lại hiệu quả hoặc bệnh tái phát quá nhiều lần. Một số cách thức phẫu thuật được áp dụng trong điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay bao gồm:

  • Cắt ngắn, kéo dài, tạo hình gân cơ duỗi để ngăn các hoạt động quá tầm.
  • Loại bỏ các tổ chức hư hỏng của gân duỗi
  • Giải phóng gân duỗi khỏi mỏm lồi cầu.

Phẫu Thuật Có Thể Được Tiến Hành Bằng Nội Soi Với Các Ưu Điểm Như Ít Xâm Lấn, Ít Đau, Bảo Đảm Tính Thẩm Mỹ.Phẫu thuật có thể được tiến hành bằng nội soi với các ưu điểm như ít xâm lấn, ít đau, bảo đảm tính thẩm mỹ

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý hạn chế vận động, giảm các động tác duỗi và ngửa mạnh cổ tay. Bệnh nhân tuyệt đối không được cố gắng tiếp tục chơi thể thao vì làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, gây rách gân hoặc tạo thành máu bầm, hạn chế kết quả điều trị.

3. Phòng ngừa bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay

Làm thế nào để phòng ngừa viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay?

  • Tăng cường sức mạnh cho cơ cẳng tay bằng cách tập cử tạ với trọng lượng vừa phải hoặc bóp banh nhỏ.
  • Làm nóng người và kéo giãn cơ trước khi khởi động. Bạn có thể đi bộ hoặc chạy bộ trong vài phút để làm nóng cơ bắp. Sau đó, hãy thực hiện các động tác kéo giãn nhẹ nhàng trước khi vận động hoặc tập luyện nặng.
  • Điều chỉnh tư thế đúng. Dù chơi môn thể thao nào, bạn cũng nên nhờ một người có kinh nghiệm để hướng dẫn các tư thế chính xác, tránh gây ra chấn thương trong quá trình vận động.
  • Nâng đồ vật đúng cách. Khi nâng bất cứ vật nào, bạn cũng nên giữ cho cổ tay cứng và ổn định để giảm lực xuống khuỷu tay.
  • Nghỉ ngơi. Cố gắng không dùng khuỷu tay quá sức. Ngay khi thấy dấu hiệu đau tại nơi này, bạn hãy nghỉ ngơi.
Đánh post giá

©2022 iGiadinh.com. All rights reserved

x