Chẩn đoán và điều trị viêm khớp ngón tay như thế nào?
Nội dung tóm tắt
Viêm khớp ngón tay là tình trạng sụn khớp tại ngón tay bị bào mòn, thoái hóa khiến các đầu xương chạm vào nhau dẫn đến tổn thương và viêm đau. Viêm đau khớp ngón tay có thể xảy ra ở bất cứ vùng khớp nào trên bàn tay, phổ biến nhất là đầu ngón tay và khớp nối giữa các ngón tay.
Xem thêm: Tổng quan về viêm khớp ngón tay
1. Chẩn đoán viêm khớp ngón tay
- Đầu tiên để chẩn đoán viêm khớp ngón tay, các bác sĩ thường sẽ hỏi bạn một số thông tin như lịch sử bệnh lý, tiền sử bị chấn thương đã xuất hiện ở bàn tay bao giờ chưa.
- Tiếp theo bác sĩ tiến hành khám ở gốc ngón tay, các ngón tay để xem có các biểu hiện sưng hoặc có cục u nào nổi lên không. Giữ khớp của bệnh nhân cố định khi di chuyển ngón tay. Khi cử động khớp sẽ phát ra tiếng kêu lạo xạo, đồng thời xuất hiện cảm giác đau đớn và nhận biết rõ rệt như có sạn ở trong. Để giải thích cho việc này, các chuyên gia cho biết rằng khi đó sụn khớp đã bị bào mòn nghiêm trọng dẫn đến xương cọ sát vào nhau.
Sau khi chẩn đoán lâm sàn, bệnh nhân sẽ được chụp X – quang bàn tay để chẩn đoán bằng hình ảnh
- Sử dụng những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra các biểu hiện của viêm khớp ngón tay như chụp X-quang. Những hiện tượng thường được phát hiện khi quan sát phim chụp X-quang là khoảng trống giữa các khớp bị mất, sụn bị bào mòn, biến dạng ở các cựa xương.
2. Điều trị viêm khớp ngón tay
2.1. Điều trị không can thiệp phẫu thuật
Trong giai đoạn đầu của viêm khớp ngón tay, việc điều trị chủ yếu là áp dụng các phương pháp không can thiệp phẫu thuật như:
- Dùng thuốc uống:
Với trường hợp khớp ngón tay chỉ đau khi làm việc nhiều hoặc nặng thì bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc kháng viêm nhẹ như Aspirin hoặc Ibuprofen… Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần giảm hoạt động nặng hoặc ngưng làm công việc đòi hỏi nhiều cửa động lặp lại của bàn tay và ngón tay để giúp kiểm soát triệu chứng bệnh.
- Dùng thuốc tiêm:
Huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet Rich Plasma, PRP): PRP kích thích tế bào biểu mô, tạo chất nền, phân chia tế bào và tái tạo tế bào máu, cũng như kích thích phát triển mạch máu. Từ đó làm tái sinh các mô bị hư hại, giúp cho tế bào trở nên khỏe mạnh hơn. Đối với các tổn thương cơ xương khớp, PRP có tác dụng kháng viêm, chấm dứt cơn đau nhanh chóng, tăng khả năng vận động cho cơ và khớp.
Sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu hoặc Cortisone trong điều trị viêm khớp ngón tay
Cortisone: Bệnh nhân có thể được chỉ định tiêm Cortisone vào khớp ngón tay để giảm đau tạm thời (Cortisol là thuốc kháng viêm mạnh). Tuy nhiên, tác dụng của thuốc chỉ kéo dài khoảng vài tuần đến vài tháng. Đồng thời, thủ thuật này cũng đi kèm nguy cơ nhiễm trùng khớp.
- Phục hồi chức năng:
Vật lý trị liệu hoặc hoạt động trị liệu đóng vai trò thiết yếu trong việc điều trị viêm khớp ngón tay không can thiệp bằng phẫu thuật. Mục tiêu điều trị là giúp bệnh nhân nắm được cách kiểm soát triệu chứng, giữ bàn tay và các khớp ngón tay trong điều kiện tốt nhất.
Bệnh nhân sẽ được học cách làm dịu cơn đau và các triệu chứng khó chịu, bao gồm các phương pháp như nghỉ ngơi, giảm đau bằng nhiệt hoặc dùng thuốc thoa ngoài da.
Bài tập về biên độ chuyển động và căng cơ cũng được đề nghị thực hiện để cải thiện khả năng vận động của ngón tay. Bài tập tăng sức mạnh cho bàn tay và cánh tay có tác dụng giữ vững bàn tay và bảo vệ ngón tay trước tình trạng sốc hay áp lực.
Nẹp ngón tay giúp giảm đau và ngăn ngừa biến dạng khớp
- Băng thun hoặc nẹp ngón tay:
Là phương pháp có thể được dùng cho một số bệnh nhân để hỗ trợ giảm đau, ngăn ngừa biến dạng khớp ngón tay hoặc ngăn khớp bị biến dạng nặng hơn.
2.2. Điều trị phẫu thuật
Với trường hợp viêm thoái hoá khớp ngón tay nặng, các phương pháp trên không phát huy được hiệu quả như mong muốn, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng trong điều trị viêm khớp ngón tay là:
- Hàn xương (làm cứng khớp): Nhằm mục đích loại bỏ cơn đau bằng cách cho phép các xương tạo thành khớp đó phát triển về phía nhau hoặc kết hợp với nhau tạo thành một khối xương đặc. Hàn xương có hiệu quả tốt trong việc điều trị đau và biến dạng khớp do viêm thoái hoá. Phương pháp này được sử dụng phổ biến cho khớp liên đốt gần và liên đốt xa, mang lại hiệu quả tốt hơn và đơn giản hơn so với việc cố gắng giữ chuyển động của khớp ngón tay bằng cách thay khớp;
- Thay khớp nhân tạo: Khi áp dụng thủ thuật thay khớp nhân tạo, bác sĩ sẽ dùng các khớp nhân tạo bằng nhựa hoặc kim loại để thay cho các khớp bị viêm. Khớp nhân tạo tạo thành một bản lề mới, cho phép khớp chuyển động tự do, đồng thời giảm đau đớn cho bệnh nhân.
Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể phải bó bột hoặc đeo nẹp ngón tay và cổ tay trong khoảng 6 tuần. Khi nẹp được lấy ra, người bệnh có thể cần vật lý trị liệu để lấy lại sức mạnh và độ linh hoạt của ngón tay.
Nếu được phát hiện sớm, bệnh viêm khớp ngón tay có thể được điều trị nhanh chóng với chi phí thấp, ít nguy cơ xảy ra biến chứng. Vì vậy, khi có biểu hiện sưng, đau ngón tay, tốt nhất bệnh nhân nên sớm đi thăm khám để được chẩn đoán chính xác về tình hình sức khỏe của mình và có phương hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.
3. Các bài tập hỗ trợ điều trị viêm khớp ngón tay
Các bài tập hỗ trợ điều trị bệnh viêm đau khớp ngón tay nhẹ nhàng có công dụng giảm sưng đau nhức đầu ngón tay, sưng đốt ngón tay… Dưới đây là những bài tập đơn giản mà người bệnh có thể áp dụng.
Bài tập uốn khớp ngón tay
Cách thực hiện như sau: Uốn cong hết cỡ các ngón tay, sau đó thực hiện duỗi ngón tay thẳng ra.
Lặp đi lặp lại bài tập này nhiều lần trong khoảng 10 phút mỗi ngày sẽ giúp người bệnh cải thiện sức khỏe khớp ngón tay.
Các bài tập đơn giản nhưng có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm khớp ngón tay
Bài tập nắm đấm
Cách thực hiện, nắm bàn tay lại tao thành 1 nắm đấm rồi duỗi ra từ từ. Lưu ý làm thật chậm rãi và từ từ sẽ giảm đau đớn hiệu quả.
Bài tập chạm ngón tay
Sử dụng ngón tay cái lần lượt chạm vào những đầu ngón tay còn lại. Thực hiện bài tập kiên trì, tuy nhiên những trường hợp duỗi ngón tay ra mà thấy đau thì nên dừng lại.
4. Phòng ngừa bệnh viêm khớp ngón tay
Để phòng tránh mắc bệnh viêm khớp ngón tay, người bệnh cần lưu ý:
- Xây dựng chế độ ăn uống với đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, ăn nhiều rau xanh, nhất là những loại rau thuộc họ cải như bông cải xanh, cải bẹ xanh, cải ngọt, bắp cải,… rất tốt cho những bệnh nhân mắc bệnh đau khớp ngón tay. Ngoài ra, cần tránh uống rượu bia, thuốc lá, nước uống có ga, đồ ăn cay, thực phẩm giàu đạm,…
Bông cải xanh là một trong những loại thực phẩm tốt cho người viêm khớp ngón tay
- Nên dành thời gian nghỉ ngơi, không nên bắt bàn tay phải làm việc quá nhiều, liên tục trong ngày.
- Hạn chế làm việc với máy tính. Bấm máy tính quá nhiều có nguy cơ cao gây đau khớp ngón tay.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sự dẻo dai cho xương khớp.
Bài viết trên đã giúp bạn nắm được những thông tin về bệnh viêm đau khớp ngón tay. Nếu cơ thể có bất cứ dấu hiệu bất thường nào về xương khớp, bạn nên đi thăm khám để được tư vấn điều trị càng sớm càng tốt.