Khi con tăng động, giảm chú ý cha mẹ nên làm gì?
Nội dung tóm tắt
Nếu con trẻ bị tăng động, giảm chú ý thì việc xây dựng chế độ sinh hoạt cho trẻ là một trong những bước rất quan trọng tác động tới hiệu quả điều trị cho trẻ.
1. Tổng quan về rối loạn tăng động, giảm chú ý ở trẻ em
Rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) là bệnh mãn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em và thường tiếp diễn cho đến tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm sự kết hợp của các vấn đề có tính chất bền vững, chẳng hạn như khó duy trì khả năng tập trung, hiếu động quá mức và có các hành vi bốc đồng.
Tăng động, giảm chú ý là bệnh mãn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em
Trẻ em bị ADHD cũng có thể phải vật lộn với lòng tự trọng thấp, gặp rắc rối với các mối quan hệ xã hội và thành tích học tập kém ở trường. Các triệu chứng đôi khi giảm dần theo tuổi tác. Tuy nhiên, một số người không bao giờ vượt qua được mà chỉ giảm nhẹ được các triệu chứng bệnh.
Mặc dù điều trị sẽ không chữa khỏi tăng động, giảm chú ý ở trẻ, nhưng nó có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh. Điều trị thường bao gồm thuốc và các can thiệp hành vi con người. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc cải thiện sức khỏe của người bệnh.
2. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ADHD
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ADHD bao gồm:
- Di truyền: Cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị ADHD hoặc một rối loạn sức khỏe tâm thần khác.
- Tiếp xúc với môi trường độc hại: Tiếp xúc với chì, được tìm thấy chủ yếu trong sơn và đường ống trong các tòa nhà cũ.
- Mẹ có tiền sử sử dụng ma túy, rượu hoặc hút thuốc trong thai kỳ.
- Sinh non.
3. Những điều cha mạ cần làm khi con tăng động, giảm chú ý
Bắt đầu ngày mới với một buổi sáng tốt lành
Mục tiêu của việc xây dựng các thói quen sinh hoạt buổi sáng là để giúp trẻ và bạn cảm thấy thoải mái nhất trước khi đi học, đi làm. Để buổi sáng không còn là nỗi “ám ảnh”, tốt nhất bạn nên làm trước một số công việc vào buổi tối hôm trước như chuẩn bị cặp cho bé, chọn sẵn quần áo cho bé, chuẩn bị bữa trưa…
Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường rất dễ bị tăng động, phân tâm. Do đó, vào buổi sáng, bạn nên lưu ý một số điều sau để trẻ không bị kích thích:
- Tắt tivi vào buổi sáng.
- Không sử dụng máy tính để kiểm tra email.
- Tránh việc đọc báo vào buổi sáng, bạn có thể làm điều này sau khi trẻ đi học về hoặc vào buổi tối.
Bạn nên tránh việc đọc báo vào buổi sáng hoặc khi có mặt trẻ
Dạy trẻ học vào buổi chiều
Đối với trẻ bị tăng động giảm chú ý, học tập là một trong những khó khăn rất lớn mà trẻ phải vượt qua. Nếu bạn và trẻ đang phải đối mặt với cuộc chiến “dạy và học” mỗi ngày thì cũng đừng quá lo bởi bạn không phải là trường hợp duy nhất. Tuy nhiên, nếu bạn xây dựng cho trẻ một số thói quen học tập thì các vấn đề của trẻ có thể được cải thiện:
- Dạy trẻ vào một thời điểm nhất định trong ngày để trẻ quen dần với điều đó.
- Nếu bạn cho trẻ làm một bài tập nào đó, chẳng hạn như vẽ tranh hoặc tập viết, hãy ngồi cạnh trẻ. Nhiều trẻ bị tăng động giảm chú ý sẽ tập trung tốt hơn khi người lớn ngồi cạnh hoặc làm chung với trẻ.
- Nghỉ giải lao thường xuyên để tránh sự mệt mỏi và buồn chán. Trong thời gian nghỉ, trẻ có thể đi dạo một vòng xung quanh nhà.
- Tạo không khí vui vẻ khi học tập. Trẻ dễ tiếp thu hơn khi biết rằng học cũng là một hoạt động rất thú vị, cũng giống như chơi trò chơi hoặc xem tivi.
Dành thời gian để quây quần bên bàn ăn vào buổi tối
Quây quần bên bàn ăn
Ăn tối và trò chuyện cùng nhau là một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt. Thế nhưng, trong nhiều năm nay, với sự phát triển của Internet và truyền hình, thói quen này đã không còn được duy trì. Mặc dù mỗi bữa ăn thường chỉ kéo dài khoảng 20 phút nhưng khoảng thời gian ấy có thể giúp ích rất nhiều cho trẻ bị tăng động giảm chú ý:
- Đây là khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau và trẻ sẽ cảm thấy được quan tâm, yêu thương nhiều hơn từ bố mẹ và các thành viên khác.
- Trẻ có thể chia sẻ với bạn về những việc trẻ đã trải qua ở trường cũng như những việc sắp tới.
- Trẻ sẽ cảm thấy có trách nhiệm với gia đình thông qua những hành động đơn giản như bày biện bàn ăn, dọn dẹp chén đĩa…
Nhất quán với các thói quen trước khi đi ngủ
Nhất quán về giờ giấc đi ngủ của trẻ mỗi ngày
Duy trì các thói quen đi ngủ sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái và dễ đi vào giấc ngủ hơn. Nhiều trẻ bị tăng động giảm chú ý cảm thấy không thích việc đi ngủ bởi với chúng, ngủ là một điều khá nhàm chán. Bạn có thể tập cho trẻ có các thói quen sau để trẻ không còn cảm thấy việc đi ngủ là nhàm chán:
- Có một bữa ăn nhẹ, giàu dinh dưỡng như 1 quả táo, 1 cái bánh gạo…
- Chơi các trò chơi nhẹ hoặc đọc một cuốn sách.
- Tắt đèn và hôn con trước khi đi ngủ.
- Cố gắng cho trẻ đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Xây dựng thời gian biểu cho trẻ bị tăng động giảm chú ý sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, nếu làm được, việc này sẽ hỗ trợ điều trị trẻ bị tăng động giảm chú ý rất nhiều đấy.
Xem thêm: Làm thế nào để phòng tránh tăng động, giảm chú ý ở trẻ?