Trẻ sinh non ở tuần 35 cần được chăm sóc như thế nào?
Nội dung tóm tắt
Sinh non là một vấn đề rất thường gặp. Tuy nhiên, việc biết lý do vì sao và rủi ro mà bé gặp phải khi chào đời quá sớm rất cần thiết. Điều này sẽ giúp bạn đề phòng tình trạng này tốt hơn. Ngày nay, các bác sĩ sản khoa có thể dự đoán được tình trạng trẻ sinh non dựa vào các dấu hiệu và tư vấn cho bạn. Tình trạng này sẽ kiểm soát được nếu bạn phát hiện kịp thời.
1. Thế nào là trẻ sinh non?
Trước đây, theo quy định trẻ non tháng là những trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 2.500g. Từ năm 1960 trở đi, định nghĩa đơn giản như vậy được nhận thấy không thật chính xác, dễ nhầm lẫn với trẻ nhẹ cân, trẻ sinh dinh dưỡng bào thai. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã điều chỉnh định nghĩa, những trẻ sinh trước tuần thứ 37 (tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối) là trẻ sinh non.
Những trẻ sinh trước tuần thứ 37 là trẻ sinh non
Phân loại trẻ non tháng
- Sinh non muộn: từ 34 tuần đến 36 tuần 6 ngày.
- Sinh non vừa : 32 đến < 34 tuần.
- Sinh rất non : ≤ 32 tuần.
- Sinh cực non: < 28 tuần.
Vì sinh sớm nên trẻ sinh non có rất nhiều nguy cơ. Tuổi thai càng thấp thì nguy cơ càng cao. Các nguy cơ sau sinh bao gồm: Suy hô hấp, hạ thân nhiệt, ống động mạch chậm đóng, bất ổn định đường máu, mất cân bằng dịch/điện giải cơ thể, vàng da bệnh lý, thiếu máu, suy dinh dưỡng, nhiễm khuẩn, xuất huyết não-màng não, suy giảm thính lực, bệnh võng mạc mắt.. và đột tử.
Mục tiêu điều trị và chăm sóc trẻ sinh non là hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn và toàn thân hợp lý, nhằm giảm thiểu tối đa các nguy cơ/biến chứng sau sinh; cung cấp dinh dưỡng/năng lượng giúp trẻ phát triển và thích nghi với cuộc sống ngoài tử cung.
Chi phí điều trị chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sinh non rất tốn kém do thời gian lưu viện kéo dài tại khoa hồi sức tích cực sơ sinh. Ngoài ra, khi lớn lên, đặc biệt là trẻ sinh non và cực non có thể bị các di chứng lâu (do cơ thể chưa đủ trưởng thành) như di chứng thần kinh hoặc rõ rệt hoặc tiềm tàng với chỉ số trí tuệ thấp, suy giảm thị lực, thính lực. Và thường là gánh nặng về tâm lý, tài chính cho cha mẹ suốt đời.
2. Trẻ sinh non ở tuần thứ 35 cần được chăm sóc như thế nào?
Thai nhi 35 tuần sinh non sẽ nhẹ cân và có sức đề kháng yếu hơn bình thường. Cha mẹ cần phải lưu ý đặc biệt trong cách chăm sóc bé.
2.1. Giữ bé ở nhiệt độ phù hợp
Cha mẹ cần phải đảm bảo em bé ở trong nhiệt độ thoải mái và an toàn. Trẻ sơ sinh có thể bị cảm lạnh rất nhanh đặc biệt là lúc không mặc quần áo như sau khi tắm. Vì sức đề kháng yếu nên trẻ rất dễ bị nhiễm trùng, viêm phổi, suy hô hấp. Tuy nhiên, nhiệt độ cao lại có liên quan đến chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Cần giữ thân nhiệt của bé trong khoảng từ 36,5-37 độ C. Nếu muốn giữ ấm cho trẻ, cha mẹ phải đội mũ, bao tay, bao chân, khăn quấn cổ cho trẻ. Căn cứ vào cân nặng của trẻ, nhiệt độ phòng duy trì ở mức 25-35 độ C. Bé có cân nặng càng lớn thì nhiệt độ phòng cũng phải điều chỉnh thấp xuống. Lưu ý là phòng phải kín gió.
Phương pháp Kangaroo để giữ ấm cho trẻ
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể áp dụng phương pháp Kangaroo để giữ ấm cho trẻ. Phương pháp này cực kỳ hữu ích đối với những trẻ sinh non. Mẹ sẽ ôm bé vào lòng, da kề da để giúp bé cảm nhận được hơi thở và nhịp tim của mẹ.
2.2. Giúp bé ngủ ngon
Cha mẹ có thể giúp bé có một giấc ngủ ngon bằng cách tạo một môi trường yên tĩnh, thiếu ánh sáng vào ban đêm. Trẻ bị đói cũng là nguyên nhân làm bé thức dậy giữa đêm. Vì thế, trẻ càng nhỏ thì càng cần cho bé ăn thường xuyên hơn.
2.3. Đề phòng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh
Đây là hội chứng những em bé khỏe mạnh chết trong giấc ngủ, thường là trong 6 tháng đầu đời. Trẻ sinh non có nguy cơ cao hơn một chút so với những trẻ được sinh đủ tháng. Chưa thể biết được chính xác nguyên nhân gây ra đột tử ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên một số hướng dẫn sau sẽ giúp giảm nguy cơ bị hội chứng này:
- Đặt em bé nằm ngửa.
- Sử dụng chăn nhẹ và giữ cho chăn ở ngoài mặt của bé một cách chắc chắn.
- Đảm bảo không ai hút thuốc trong nhà.
- Khi bố mẹ mệt mỏi hoặc đã sử dụng rượu, thuốc lá, các chất kích thích thì không bao giờ ngủ với trẻ trên cùng một giường hoặc ghế sofa.
- Giữ nhiệt độ phòng ở nhiệt độ phù hợp.
2.4. Tắm rửa, vệ sinh cho trẻ sinh non
Đối với hầu hết trẻ sơ sinh, trong vài tháng đầu đời, cha mẹ vẫn có thể tắm rửa và vệ sinh cho bé bằng nước thường. Khi thay tã thì chỉ nên sử dụng nước và bông mềm. Một số lưu ý như sau:
- Nếu bé có làn da khô thì không nên sử dụng bất kỳ loại sản phẩm dưỡng ẩm nào mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Khi bé lớn hơn và có làn da khỏe mạnh thì mới có thể sử dụng các loại sản phẩm này.
- Không cần thiết phải tắm cho trẻ mỗi ngày.
- Khi bị ướt, bé sẽ rất lạnh. Lúc đó, trẻ sẽ bị mất đi một chút nhiệt độ của cơ thể.
Vì thế mà phải tắm cho bé ở nơi ấm áp, không có gió lùa và chuẩn bị sẵn một khăn khô để lau khô người bé.
Tắm rửa, vệ sinh cho trẻ sinh non
Ngoài ra, để tránh trẻ sinh non bị nhiễm trùng, sau đây là một số yếu tố cần phải đảm bảo:
- Không để bé tiếp xúc với những người đang bị cảm cúm hoặc các bệnh liên quan đến nhiễm trùng.
- Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi bế trẻ.
- Giữ cho nhà luôn thông thoáng, sạch sẽ.
2.5. Chế độ dinh dưỡng đối với trẻ sinh non 35 tuần tuổi
Nên truyền dịch vài ngày đối với bé bị sinh non dưới 37 tuần nói chung, đặc biệt là những bé có dấu hiệu suy hô hấp và có cân nặng dưới 1500gr. Sau khi trẻ đã ổn định và tăng cân hơn thì cho trẻ bú sữa mẹ như bình thường.
Với bé sinh non, mẹ cho trẻ bú khoảng 10-12 lần/ngày, mỗi cữ bú cách nhau 2-3 tiếng. Trong trường hợp bé không tăng cần thì cần đưa đến bệnh viện kiểm tra.
2.6. Tắm nắng đúng cách
Trẻ sơ sinh cần phải được tắm nắng để tổng hợp vitamin D, giúp xương chắc khỏe hơn. Cha mẹ cần cho bé tắm nắng 1-2 lần/tuần, mỗi lần 10-15 phút. Lưu ý phải tắm nắng vào thời điểm thích hợp, tránh những lúc ánh nắng mặt trời gay gắt nhất.
Cho bé tắm nắng 1-2 lần/tuần, mỗi lần 10-15 phút
2.7. Khám và tiêm phòng đầy đủ
Cũng giống như những bé khác, trẻ sinh non phải được tiêm phòng đầy đủ để có sức đề kháng giúp phòng ngừa một số bệnh. Tuy nhiên cần phải đảm bảo bé sinh non đạt tiêu chuẩn về cân nặng trước khi tiêm.
Trẻ sinh non 35 tuần cũng cần phải khám:
- Khám lần đầu sau sinh: mục đích là để xác định xem liệu bé có nguy cơ bị các bệnh như suy hô hấp, khó thở, dị tật bẩm sinh…
- Khám sau ngày sinh 4 ngày: kiểm tra bệnh vàng da để điều trị kịp thời.
- Khám sau ngày sinh 7-10 ngày: kiểm tra hoạt động của gan, thận, tim và tầm soát các bệnh nhiễm trùng.
Xem thêm: Trẻ sinh non do những nguyên nhân nào?