Trẻ sinh non do những nguyên nhân nào?

Chuyển dạ sinh non trước ngày dự sinh là một biến cố bất ngờ trong thai kỳ. Trẻ sinh non sẽ gặp nhiều vấn đề đe dọa đến sức khỏe và phải lưu viện theo dõi lâu hơn so với trẻ sinh đủ tháng.

1. Sinh non là gì?

Đây là thuật ngữ đề cập đến tình trạng bé chào đời quá sớm so với dự tính. Nếu chỉ là sớm hơn vài ngày hoặc vài tuần thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu bạn chuyển dạ ở tháng thứ 7 hoặc 8 thì cả mẹ và bé đều sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Sinh non thường được phân loại như sau:

  • Sinh cực non khi thai dưới 28 tuần.
  • Sinh rất non khi thai từ 28 – 32 tuần.
  • Sinh non muộn khi thai từ 33 – 36 tuần.

Sinh NonSinh non là tình trạng trẻ sinh ra trước 37 tuần tuổi

Phụ nữ da đen có nguy cơ sinh non (đẻ non) cao hơn những người khác. Nhưng bất cứ phụ nữ mang thai nào cũng có thể bị sinh non. Trên thực tế, nhiều phụ nữ sinh non trong khi họ không có yếu tố nguy cơ nào.

2. Nguyên nhân gì gây sinh non?

2.1. Bệnh nhiễm trùng vùng kín

Nếu thai phụ mắc bệnh nhiễm trùng vùng kín thì sẽ có nguy cơ sinh non rất cao. Do các vi khuẩn trong cơ thể phát triển làm lớp màng bao bọc thai nhi yếu đi, nên ảnh hưởng đến nước ối.

Vì vậy, túi nước ối có thể bị vỡ bất cứ lúc nào. Một số nhiễm trùng thường khiến bạn sinh non gồm nhiễm khuẩn âm đạo (BV) (là một loại nhiễm trùng gây ra khi quá nhiều vi khuẩn nào đó làm thay đổi cân bằng vi khuẩn trong âm đạo). Một số triệu chứng bạn sẽ gặp nếu mắc phải nhiễm trùng này:

  • Cảm giác đau rát khi đi tiểu.
  • Dịch âm đạo có màu trắng hoặc màu xám.
  • Da ở vùng kín xuất hiện mẩn đỏ.

Một số nhiễm trùng khác mà bạn cũng có thể gặp như Chlamydia trichomoniosis và bệnh lậu cũng có thể dẫn đến sinh non.

Bệnh LậuBệnh lậu cũng có thể dẫn đến sinh non

2.2. Có tiền sử sinh non

Nếu lần trước, bạn đã từng sinh non thì bạn sẽ có nguy cơ trải qua việc này một lần nữa. Bác sĩ sẽ cho bạn thuốc bổ và yêu cầu bạn nghỉ ngơi nhiều để giảm nguy cơ. Trong trường hợp này, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn muốn có thêm một bé cưng nữa nhé.

2.3. Các biến chứng về sức khỏe

Những vấn đề về sức khỏe mà người mẹ gặp phải trong thai kỳ như tiểu đường, huyết áp cao, tiền sản giật hoặc tình trạng đông máu, các vấn đề về tim cũng là nguyên nhân dẫn đến sinh non. Nếu có biến chứng về sức khỏe, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn sinh mổ. Nếu bạn tiếp tục mang thai thêm một vài ngày nữa thì có thể sẽ làm ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và bé.

Mang ThaiNhững vấn đề về sức khỏe mà người mẹ gặp phải trong thai kỳ cũng là nguyên nhân dẫn đến sinh non

2.4. Lối sống ít vận động

Những phụ nữ có lối sống không lành mạnh, nhẹ cân, trước khi mang thai bị suy dinh dưỡng hoặc có các thói quen xấu như hút thuốc, nghiện rượu, bị căng thẳng hoặc lo lắng quá mức cũng có thể dẫn đến sinh non.

2.5. Mang đa thai

Các bà mẹ chọn phương pháp mang thai thụ tinh trong ống nghiệm hoặc mang thai đôi, thai ba có thể dẫn đến tình trạng này. Khi bạn mang đa thai, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn biết cách để chăm sóc tốt cho các bé.

2.6. Khoảng cách giữa hai lần mang thai quá ngắn

Nếu bạn thụ thai trong vòng 6 – 9 tháng sau khi sinh thì rất dễ dẫn đến tình trạng sinh non. Phụ nữ cần phải nghỉ ngơi từ 11 – 12 tháng trước khi mang thai lần tiếp theo để tránh cho bé bị các dị tật bẩm sinh, nhẹ cân hoặc sinh non.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp sinh non mà không xác định được nguyên nhân. Dù là nguyên nhân gì, các bé sinh non đều phải đối mặt với một số biến chứng về sức khỏe.

3. Đặc điểm của trẻ sinh non tháng

Trong các trường hợp không nhớ chính xác ngày kinh cuối thì có thể dựa vào các đặc điểm bên ngoài của trẻ cũng như các biểu hiện về thần kinh để xác định tương đối chính xác tuổi thai.

  • Da của trẻ non tháng trông rất mọng nước, đỏ mọng và nhìn thấy được các mạch máu bên dưới. Nhiều lông tơ và chất gây trên da khi trẻ mới sinh ra. Sụn vành tai rất mềm, hộp sọ ọp ẹp và dễ bị biến dạng. Mầm vú rất nhỏ, nếp nhăn trên gan bàn chân thưa thớt.

Da Của Trẻ NonDa của trẻ non tháng trông rất mọng nước, đỏ mọng

Ở bé trai, nếu sinh sớm hơn tuần 33 – 34 thì tinh hoàn vẫn còn nằm trong ổ bụng hay trên ống bẹn, túi bìu chưa có nếp nhăn, căng bóng và dễ phù nề theo tư thế nằm của trẻ. Ở bé gái, môi lớn chưa che phủ được hết môi nhỏ và âm vật.

  • Trẻ sinh non thường nằm yên, ít cử động, tay chân ở tư thế duỗi thẳng, trương lực cơ chưa phát triển. Các phản xạ thần kinh nguyên thủy như cầm nắm, bú mút vẫn chưa hoàn thiện.
  • Lồng ngực của trẻ còn mềm, các cơ gian sườn yếu, phổi chưa giãn nở tốt, phế nang chưa trưởng thành. Trẻ thở bằng bụng, phình lên khi hít vào; nhịp thở có lúc nhanh gấp, có lúc ngưng thở. Do đó, trẻ rất dễ suy hô hấp, tím tái. Tuy nhiên, nếu cho trẻ thở oxy nồng độ cao lại làm tổn thương thần kinh thị giác, khiến trẻ bị mù lòa.
  • Ngoài ra, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh do diện tích da quá lớn so với cân nặng cơ thể, chưa có lớp mỡ dưới da và trung tâm điều hòa thân nhiệt ở não còn non yếu. Mạch máu mỏng manh, thiếu hụt các yếu tố đông máu nên trẻ non tháng dễ bị xuất huyết.

Chức năng gan chưa hoàn chỉnh, thiếu các enzyme chuyển hóa bilirubin làm trẻ thường bị vàng da nặng và kéo dài. Dự trữ đường ít, thể tích dạ dày nhỏ, thiếu các men tiêu hóa nên trẻ hay bị nôn ói, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa và hạ đường huyết. Bên cạnh đó, do hệ miễn dịch non yếu, chưa nhận được kháng thể từ mẹ nên trẻ rất dễ bị nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.

4. Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng

Sau khi vừa sinh ra, phải sẵn sàng phương tiện ủ ấm, hỗ trợ hô hấp, thuốc giúp nở phổi, nguồn oxy để sử dụng ngay nếu cần. Đồng thời, bé sinh non cần phải được ăn sớm trong vài giờ đầu sau sinh (nếu tình trạng toàn thân cho phép).

Tốt nhất là ăn sữa mẹ và lượng sữa được tính toán cẩn thận theo cân nặng, tuổi thai, tuổi sau sinh của trẻ. Có thể cho trẻ tập bú nếu trẻ đã hình thành phản xạ mút hay qua ống thông dạ dày. Ở trẻ cực non, cần nuôi dưỡng bằng các loại dịch nuôi năng lượng cao, phù hợp sự tăng trưởng nhanh, cho trẻ như ở trong tử cung, qua đường tĩnh mạch kết hợp cho ăn đường miệng tối thiểu sớm, sau đó chuyển dần nuôi dưỡng qua đường miệng hoàn toàn.

Chăm sóc cho trẻ luôn phải tôn trọng quy tắc vô trùng, kể cả các vật dụng dành cho trẻ. Duy trì nhiệt độ, độ ẩm lồng ấp, theo đích cần đạt, phụ thuộc cân nặng tuổi thai, tuổi sau sinh của trẻ, có thể kết hợp biện pháp ủ ấm da kề da với mẹ càng sớm càng tốt.

Giữ Ấm Cho TrẻỦ ấm da kề da với mẹ

Các phương tiện theo dõi trẻ luôn được cài đặt điểm báo động để kịp thời xử trí khi trẻ thở nhanh hay thở chậm, ngưng thở, hạ oxy máu, hạ thân nhiệt, tăng hay giảm tần số tim, huyết áp, tím tái…

Mặc dù nuôi dưỡng trẻ sinh non vô cùng khó khăn và tốn kém, tỷ lệ tử vong cao nhưng một số trẻ vẫn có thể trưởng thành mạnh khỏe và phát triển tương đương trẻ sinh đủ tháng, nếu được hỗ trợ đúng và kịp thời ngay sau đẻ.

Trước khi ra viện, mẹ và gia đình cần được tư vấn kỹ lưỡng về các cách cho con bú, biện pháp dinh dưỡng thay thế (nếu cần), các cách chăm sóc – theo dõi – phát hiện các dấu hiệu bệnh lý thông thường hay gặp ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần biết lịch đưa trẻ đi chích ngừa, kiểm tra phát triển thể lực và tâm sinh lý, phát hiện sớm các bất thường về thị giác, thính lực, vận động để có biện pháp can thiệp sớm, kịp thời.

Xem thêm: Cách chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ sinh non tại nhà

5/5 - (1 bình chọn)

©2022 iGiadinh.com. All rights reserved

x