Sữa non là gì? Nên cho trẻ sơ sinh ăn gì khi sữa mẹ chưa về?
Nội dung tóm tắt
Không ít người mẹ mới sinh cho con dùng sữa công thức rất sớm vì nghĩ mình chưa có sữa hay sữa chưa về đủ cho bé bú. Điều này có thể khiến mẹ vô tình bỏ qua nguồn sữa non nhiều lợi ích và cần thiết cho trẻ sơ sinh.
1. Sữa non là gì?
Sữa non là những giọt sữa mẹ đầu tiên, thường tiết ra trong những tháng cuối thai kỳ (từ khoảng tuần thứ 28 của thai kỳ) và trong 48 – 72 giờ đầu sau sinh. Sữa non có màu vàng nhạt, sánh đặc và rất giàu dinh dưỡng. Khi bé ra đời, sữa non đã có sẵn trong bầu vú mẹ để cho bé bú.
Sau khi nhau thai đã được đẩy ra khỏi cơ thể mẹ (bé chào đời), nồng độ estrogen và progestogen sẽ giảm, nồng độ hormone prolactin tăng lên sẽ kích thích cơ thể mẹ tiết sữa, lượng sữa sẽ bắt đầu nhiều hơn bắt đầu từ ngày thứ 3 – 4 tùy thuộc vào lượng sữa bé bú và lượng sữa được vắt ra.
Sữa non là những giọt sữa mẹ đầu tiên và có giá trị dinh dưỡng tuyệt vời
Giá trị dinh dưỡng tuyệt vời của sữa non đối với trẻ sơ sinh
Sữa non chứa ít đường lactose, chất béo và các vitamin tan trong nước nhưng lại rất giàu protein, lượng protein trong sữa non có thể cao gấp 10 lần so với sữa trưởng thành. Các vitamin tan trong chất béo nhiều hơn bao gồm: vitamin A cao gấp 2 lần sữa trưởng thành, vitamin E, vitamin K. Các khoáng chất như: sắt, kẽm… có nồng độ và hàm lượng khá cao nên sữa non là nguồn dinh dưỡng thích hợp nhất với bé sơ sinh, phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu hóa, hấp thụ của bé.
Sữa non rất giàu các kháng thể tự nhiên, giúp em bé sơ sinh chống lại nhiễm trùng, phòng ngừa các bệnh mãn tính, chứa chất chống oxy hóa chống lại bệnh ung thư, bảo vệ cơ thể trẻ tránh khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường ngoài để phát triển khỏe mạnh. Trong sữa non của mẹ còn có rất nhiều ganglioside, yếu tố quan trọng để phát triển não ở trẻ và tăng cường hệ miễn dịch đường ruột.
Sau sinh bao lâu thì cho bé bú sữa non?
Giờ đầu tiên sau khi sinh là thời gian rất quan trọng đối với mẹ và em bé. Nuôi con bằng sữa mẹ là một phản xạ tự nhiên có tổ chức và liên quan tới các hệ thần kinh. Vì vậy, ngay sau khi sinh, đặt em bé trên da mẹ có thể giúp con có đủ bình tĩnh để bắt đầu tìm kiếm vú theo bản năng. Nên cho con bú ngay sau khi sinh, trong vòng khoảng 30 phút đến 1 giờ. Mặc dù sữa non rất ít, chỉ khoảng 3 – 5ml sữa nhưng đó là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời mà bé bú được.
Nên cho bé bú ngay sau khi sinh
Lúc mới sinh ngày đầu tiên, dạ dày của bé giống như trái táo nhỏ, có dung tích khoảng 5 – 6ml, các bà mẹ yên tâm khi bé bú mẹ mà không sợ bé đói hay cần thêm sữa nhân tạo nữa. Sang ngày hôm sau và những ngày kế tiếp, dạ dày của bé sẽ giãn nở, khi đó nhu cầu lượng sữa sẽ tăng, đồng thời sữa mẹ cũng về đủ để bé bú.
Cố gắng cho con bú ngay sau khi sinh để kích thích tiết sữa và cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho bé. Nhiều bà mẹ có kích thước đầu ti quá lớn khiến trẻ khó ngậm, khó bú nên bé từ chối bú mẹ. Trường hợp này, mẹ hãy kiên trì cho con ngậm ti hoặc có thể vắt sữa non ra, sau đó dùng thìa nhỏ đút cho bé và nên tránh việc cho bé bú bình sớm. Việc cho bé bú nhiều lần càng giúp sữa mẹ về nhiều hơn.
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong khoảng 6 tháng đầu đời, đặc biệt tuần đầu sau sinh. Nếu trẻ được bú mẹ hoàn toàn sẽ được hưởng những lợi tốt nhất từ sữa mẹ. Lưu ý việc cho trẻ ăn thêm thức ăn ngoài như bú sữa bột trước khi cho ti mẹ sẽ khiến trẻ bú mẹ ít hơn.
2. Những lý do sữa chưa về thường gặp?
2.1. Tâm lý lo lắng, căng thẳng ảnh hưởng đến sự tiết sữa mẹ
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chưa có sữa sau sinh. Một trong những nguyên nhân thường gặp chính là tâm lý của mẹ bầu. Như đã đề cập đến ở trên, lượng sữa non trong những ngày đầu thường rất ít sẽ khiến mẹ bầu lầm tưởng sữa chưa về. Điều này dẫn đến tâm lý lo lắng, căng thẳng ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa của mẹ. Những lo ngại về việc mẹ không có sữa còn làm giảm đi cơ hội bú của trẻ, giảm kích thích lên vú và từ đó gây tình trạng không tiết sữa thật sự ở mẹ.
Một số sản phụ có tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm sau sinh cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng kém tiết sữa.
Tâm lý căng thẳng hoặc mất cân bằng nội tiết tố là ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa
2.2. Mất cân bằng nội tiết ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa mẹ
- Đái tháo đường: Insulin cũng đó một vai trò quan trọng trong việc sản xuất sữa. Vì vậy, tình thiếu hụt insulin (đái tháo đường type 1) hoặc tình trạng đề kháng insulin (đái tháo đường type 2) cũng có thể gây nên tình trạng sữa chưa về ở mẹ bầu. Kiểm soát đường huyết tốt ở những bệnh nhân có đái tháo đường sẽ giúp cải thiện khả năng tiết sữa hiệu quả.
- Bệnh lý tuyến giáp: Những hormone tuyến giáp bao gồm thyroxine (T4) và triodithyronine (T3) cũng góp phần vào chức năng tiết sữa của tuyển vú. Việc tăng hoặc giảm hoạt động của những hormone này có thể gây nên tình trạng tăng hoặc giảm sản xuất sữa.
- Các bệnh lý tại tuyến yên: Tuyến yên đảm nhận vai trò quan trọng trong việc sản xuất và tiết sữa thông qua hai hormone chính là prolactin và oxytocin. Trong trường hợp sản phụ mất máu quá nhiều sau sanh có thể gây nên suy giảm chức năng tuyến yên (hội chứng Sheehan) hoặc các nguyên nhân hiếm gặp hơn như xuất huyết não hoặc khối u cũng có thể là nguyên nhân suy giảm hoạt động tại tuyến yên.
2.3. Các nguyên nhân khác
Một số loại thuốc ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa
Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng tạo sữa của tuyến vú. Vì vậy cần có sự tham vấn của bác sĩ khi sử dụng thuốc trong giai đoạn hậu sản.
Chuyển dạ kéo dài, sinh khó, can thiệp thủ thuật, mổ lấy thai cũng có thể làm tăng tình trạng stress ở mẹ và làm chậm tiết sữa.
3. Trẻ có thể ăn gì khi sữa mẹ chưa về?
Như đã đề cập ở trên, sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng vô cùng cần thiết cho trẻ sơ sinh. Đặc biệt là sữa non chứa nhiều loại kháng thể từ mẹ, giúp trẻ nâng cao sức đề kháng và bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên trong những trường hợp chưa có sữa về, các mẹ bầu có thể lựa chọn trong những cách sau:
3.1. Ngân hàng sữa mẹ
Trong những trường hợp mẹ có bệnh lý không cho bú được hoặc mẹ không có sữa, trẻ sơ sinh có thể nhận sữa từ các ngân hàng sữa mẹ được các mẹ bầu hiến tặng. Tại Việt Nam, hiện đã có hai ngân hàng sữa mẹ được thành lập tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Sữa mẹ được hiến tặng
3.2. Sữa non công thức
Có rất nhiều loại sữa công thức trên thị thường, nhưng hầu hết các hãng sữa sẽ cố gắng tạo thành phần sữa công thức giống sữa mẹ. Trong giai đoạn đầu sau sinh, sữa mẹ có dạng là sữa non vì thế các mẹ bầu nên chọn các loại sữa có công thức giống với sữa non (colostrum milk).
Mặc dù có thể sử dụng sữa công thức thay thế tạm thời, mẹ bầu nên thư giãn và giải tỏa tâm lý căng thẳng, cố gắng mát-xa vú hàng ngày. Tiếp tục cho trẻ bú vú mẹ trực tiếp, động tác trẻ mút núm vú sẽ giúp cơ thể tăng tiết oxytocin và prolactin, những hormone này sẽ kích thích tuyến vú sản xuất và tiết sữa cho trẻ. Nếu tình trạng sau đó tiếp tục không cải thiện, các mẹ bầu nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn kịp thời.
Xem thêm: Cơ chế sản xuất sữa mẹ và các loại sữa mẹ theo từng giai đoạn