Đột quỵ não nguy hiểm như thế nào? Làm sao để phòng tránh?
Nội dung tóm tắt
Đột quỵ não là căn bệnh cấp tính, nguy hiểm, có xu thế gặp nhiều trong những năm gần đây, đứng hàng thứ 3 sau ung thư và tim mạch. Chính vì vậy, hiểu biết về cách phát hiện và xử lý kịp thời giúp giảm tỉ lệ tử vong cũng như biến chứng có thể gây ra cho người bệnh.
1. Đột quỵ não là gì?
Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là tình trạng một phần não bộ đột ngột bị tổn thương khi mạch máu nuôi dưỡng phần não đó bị tắc (nhồi máu não) hoặc bị vỡ (xuất huyết não).
Đột quỵ não là căn bệnh nguy hiểm
Đột quỵ não xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não không nhận đủ oxy. Khi đó một phần não bắt đầu chết đi và gây tổn thương não. Sau khi đột quỵ xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết và làm người bệnh già hơn khoảng 3 tuần tuổi. Chính vì vậy, “thời gian chính là não”. Người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt và biện pháp điều trị duy nhất đó chính là “tái tưới máu cho não” càng nhanh càng tốt.
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây nên tử vong cao và để lại một số di chứng vĩnh viễn cho bệnh nhân. Đặc biệt, đột quỵ có thể xảy đến với tất cả mọi người không kể lứa tuổi hay giới tính (ngày nay có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi, tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua). Người bệnh bị đột quỵ não có thể bị liệt, hôn mê và thậm chí tử vong. Đột quỵ không những là nguyên nhân gây tử vong thứ ba mà còn gây tàn phế hàng đầu cho người bệnh, là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%.
Đột quỵ não được chia làm 2 loại chính: đột quỵ do chảy máu não (chảy máu nội sọ, chảy máu khoang dưới nhện) và đột quỵ do thiếu máu não (nhồi máu não, cơn tai biến mạch máu não thoáng qua).
2. Nguyên nhân của đột quỵ não
Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não nhưng đột qụy thường gặp ở những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3 lần so với người bình thường), bệnh tim mạch (gấp 6 lần), rối loạn mỡ máu, những người béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá.
Đột quỵ não có thể do nhiều nguyên nhân
Đột quỵ não có thể xảy ra do hai nguyên nhân chính:
- Mạch não bị tắc hay còn gọi là nhồi máu não: Do mạch máu bị xơ vữa làm hẹp dần lòng mạch và tắc tại chỗ, hay cục máu đông, mảng xơ vữa di chuyển từ những vị trí khác lên động mạch não và gây tắc.
- Mạch máu não bị vỡ hay còn gọi là chảy máu não: Do huyết áp tăng hoặc vỡ các dị dạng động mạch não.
Hầu hết các trường hợp đột quỵ não xảy ra một cách đột ngột mà dường như không có triệu chứng báo trước, hoặc các triệu chứng báo trước mơ hồ, chung chung (như mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, …). Một số bệnh nhân có các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (là các cơn tê yếu nửa người xuất hiện và mất đi trong vòng 24 giờ. )
Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không dự phòng được đột quỵ não. Để làm được điều này, quan trọng là phải phát hiện được và khống chế các yếu tố nguy cơ.
3. Dấu hiệu của đột quỵ não
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ não có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu triệu chứng phổ biến có thể phát hiện sớm chứng đột quỵ:
- Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt.
- Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống, đặc biệt khi cười.
Dấu hiệu liệt mặt, méo miệng
- Cảm giác tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra, người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.
- Nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.
- Rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.
- Nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là ở những người có tiền sử bị đau nửa đầu.
Khi thấy một người có các triệu chứng kể trên, người nhà nên đỡ người bệnh để không bị té ngã và đặt nằm xuống chỗ thoáng khí. Nếu người bệnh nôn ói hoặc lơ mơ thì phải đặt nghiêng đầu sang một bên, lau sạch chất ói hoặc đờm dãi, thức ăn trong miệng để thở tốt, tránh hít sặc vào phổi.
Sau đó, gọi cấp cứu hoặc dùng xe nhanh chóng đưa tới bệnh viện gần nhất. Tốt nhất là đưa người bệnh đi cấp cứu ở tư thế nằm. Không cạo gió, trích máu, tự ý dùng thuốc (kể cả thuốc hạ huyết áp mà bệnh nhân thường uống) hay để mất thời gian chờ xem người bệnh có khỏe lại hay không.
4. Đột quỵ não nguy hiểm như thế nào?
Đột qụy làm cho phần não bị thiếu oxy, tế bào não bị chết chỉ sau vài phút. Sau khi đột qụy xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết và làm người bệnh già hơn khoảng 3 tuần tuổi. Chính vì vậy, “thời gian chính là Não”. Người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt và biện pháp điều trị duy nhất đó chính là “Tái tưới máu cho não” càng nhanh càng tốt.
Bệnh nhân có thể bị liệt, hôn mê hoặc thậm chí là tử vong
Người bệnh bị đột qụy não có thể bị liệt, hôn mê và thậm chí tử vong. Tại Việt Nam, đột qụy không những là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà còn gây tàn phế cho người bệnh, là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo số liệu của Hội Đột qụy Thế giới, cứ 6 người sẽ có 1 người bị đột qụy. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột qụy, tỷ lệ tử vong do đột qụy ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%.
5. Các biện pháp điều trị bệnh đột quỵ não
Tùy theo các nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não, phương pháp điều trị đột quỵ bao gồm:
- Đột quỵ do nhồi máu não gây ra: tiêu sợi huyết (dùng thuốc để làm tan cục máu đông đang gây tắc mạch máu), đặt stent mạch não, can thiệp nội mạch não.
Sử dụng thuốc làm tan cục máu đông
- Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ cho bạn dùng một số thuốc khác để làm loãng máu như warfarin (Coumadin), aspirin hoặc lopidogrel (Plavix).
- Đột quỵ do xuất huyết não: tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định từ điều trị nội khoa đến can thiệp phẫu thuật.
6. Cách phòng ngừa đột quỵ não
Mặc dù đột qụy là bệnh gây tử vong và tàn phế cao nhưng chúng ta có thể phòng ngừa được. Phòng bệnh đột quỵ não tốt nhất bằng cách:
- Phát hiện sớm các dị dạng mạch (như đau đầu kéo dài, …)
- Yếu tố gia đình: trong gia đình có nhiều người bị tai biến mạch máu não
- Ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao: Huyết áp cao là nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não, vì thế bệnh nhân cần được điều trị để ổn định huyết áp, tránh nguy cơ đột quỵ.
- Ổn định đường huyết: Bệnh tiểu đường là yếu tố gây mảng xơ vữa động mạch lớn, dẫn đến thiếu máu ở não. Ổn định đường huyết cũng là cách để phòng ngừa bệnh đột quỵ.
- Kiểm soát cholesterol trong máu.
- Bỏ thuốc lá: Thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh mạch máu não. Ngừng hút thuốc lá giúp giảm thiểu nguy cơ rất lớn gây đột quỵ.
- Thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, ít dầu mỡ, ít cholesterol và muối.
Chế độ ăn uống lành mạnh
- Thường xuyên rèn luyện thể chất.
- Ổn định trọng lượng cơ thể.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.
7. Những điều nên và không nên làm với người đột quỵ não
7.1. Làm gì khi người thân có dấu hiệu đột quỵ?
- Đỡ người thân để họ không bị té ngã là điều cần làm đầu tiên khi sơ cứu người bị đột quỵ
- Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo thì cần để bệnh nhân nằm yên và nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất.
- Nếu bệnh nhân hôn mê: Cần xem bệnh nhân thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hoặc ngưng thở. Nếu ngưng thở thì cần hô hấp nhân tạo nhằm kịp thời cung cấp oxy cho não.
Nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa người bệnh vào bệnh viện
7.2. Những điều không được làm khi người thân bị đột quỵ
Không được tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.
Không cho bệnh nhân ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, bệnh nhân hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẻ rất nguy hiểm.
Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 220/120 mmHg và không dùng thuốc hạ huyết áp nhỏ dưới lưỡi.
Xem thêm: Tổng quan về bệnh hẹp động mạch cảnh