Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi đúng cách
Nội dung tóm tắt
Nếu đây là lần đầu làm cha mẹ, bạn sẽ cảm thấy rằng chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn với nhiều thách thức. Những thắc mắc thường trực về việc liệu rằng bé cưng có đang phát triển một cách khỏe mạnh có thể làm cho bạn lo lắng không yên.
1. Sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
1.1. Sự tăng trưởng
Sau khi lọt lòng mẹ vài ngày, cân nặng của trẻ có thể thấp hơn so với lúc mới ra đời khoảng 10%. Nhưng bạn đừng vội lo lắng, nguyên nhân của vấn đề này là lượng chất lỏng dư thừa trong cơ thể con sẽ mất đi trong vài ngày đầu sau khi sinh.
Sau đó, cân nặng của con sẽ tăng lên trong vòng 2 tuần tới và bắt đầu tăng nhanh chóng. 140 – 250 gram là cân nặng trung bình mà bé có thể tăng mỗi tuần trong tháng đầu tiên sau sinh. Ngoài ra, chiều dài của bé có thể tăng thêm khoảng 10cm trong tháng đầu sau khi con ra đời. Do đó, nếu bé không đạt được mức cân nặng cơ bản, bạn nên đưa con đến bác sĩ nhi khoa để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng khắc phục kịp thời.
Cần theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của trẻ
1.2. Sự phát triển
Với trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi, bạn hãy theo dõi sự phát triển của bé theo tuần để nắm được về các mốc đang phát triển của con. Điều này giúp bạn kịp thời phát hiện các bất thường của trẻ để có hướng can thiệp phù hợp.
Để đánh giá sự phát triển của trẻ, các bác sĩ thường sẽ căn cứ vào cân nặng, chiều cao và chu vi vòng đầu của bé. Bác sĩ cũng có thể che một mắt của bé để kiểm tra khả năng nhìn và quan sát phản ứng của con. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ kiểm tra khả năng nghe, giao tiếp và khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Sau đây là một số mốc phát triển quan trọng tiêu biểu của bé trong tháng đầu tiên:
- Thể chất và vận động: Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi đã biết điều khiển đôi tay nên con có thể giật, quơ tay, thậm chí là đưa tay lên miệng. Nếu đặt nằm sấp, một số bé có thể xoay đầu qua trái hay qua phải. Bé có thể nắm chặt bàn tay. Nhiều bé cũng đã biết nhoẻn miệng cười.
- Xúc giác và khứu giác: Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi đã có thể xác định được mùi sữa mẹ. Bé cũng có thể cảm nhận được vị đắng hay chua và sẽ tìm cách né tránh khi được cho ăn những vị mà bé không thích. Bé cũng tỏ ra không thích khi được cưng nựng một cách thô bạo và tỏ ra yêu thích với mùi dễ chịu.
- Thị giác và thính giác: Ở độ tuổi này, bé đã có thể tập trung nhìn 1 vật có khoảng cách ít nhất khoảng 25 – 30 cm và có thể theo dõi 1 vật chuyển động. Bé cũng có thể nhận ra giọng nói và cố gắng tìm hướng về phía phát ra tiếng nói.
Lưu ý là với các trẻ sinh non, bé có thể không được các mốc phát triển như trên. Việc đánh giá sự phát triển của trẻ sinh non cần căn cứ vào tuổi thai của trẻ. Các bé sẽ dần đạt được những cột mốc theo tốc độ riêng.
2. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
Thời kỳ chu sinh kéo dài đến khi trẻ đủ 28 ngày tuổi, trong giai đoạn này, các nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ sẽ giảm dần nếu như được cha mẹ chăm sóc đúng cách, chính vì thế, học cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi là điều cần thiết đối với bất kỳ bậc cha mẹ nào.
2.1. Chăm sóc trẻ khi ăn
Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi cần được bú sữa mẹ
Khi mới chào đời, phản xạ khi ăn của trẻ còn rất non nớt, do đó sự hỗ trợ từ phía mẹ là rất cần thiết, nếu cho trẻ ăn không đúng cách có thể khiến trẻ bị ọc sữa, nôn trớ rất nguy hiểm.
Ngoài việc thực hiện đúng thao tác khi cho trẻ ăn, cha mẹ nên hạn chế trẻ bị ọc sữa bằng cách bế đứng trẻ vài phút và khum tay vỗ nhẹ vào lưng trẻ sau khi cho ăn; khi ngủ nên cho trẻ nằm đầu cao hơn một chút hoặc nằm nghiêng để giảm nguy cơ hít sặc, tuyệt đối không được để trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi nằm sấp khi ngủ.
Khoa học đã chứng minh, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh, chính vì thế nếu mẹ có đủ sữa thì hãy đảm bảo nuôi con bằng sữa mẹ cho đến khi trẻ 1 tuổi. Để có nguồn sữa dồi dào, mẹ hãy ăn nhiều bữa, ăn đủ các chất dinh dưỡng mà uống nhiều nước mỗi ngày. Ngoài ra cho bé bú nhiều cũng là cách để kích thích sữa ra nhiều hơn.
2.2. Chăm sóc rốn và tắm cho trẻ
Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi là đối tượng rất dễ bị nhiễm trùng sơ sinh qua đường rốn, do đó, chăm sóc rốn hàng ngày là việc làm cần thiết mà cha mẹ bắt buộc phải thực hiện. Sau khi tắm cho bé xong, hãy vệ sinh rốn bằng nước muối sinh lý và lau khô, tuyệt đối không bôi bất kỳ chất gì lên rốn của trẻ, nếu muốn mau rụng rốn thì hãy để cho rốn thông thoáng, không nên băng kín lại.
Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh hàng ngày là việc làm cần thiết
Trước khi tắm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi thì cha mẹ nên chuẩn bị đủ quần áo, bỉm, tã, khăn lau, khăn tắm, nước tắm, thuốc nhỏ mắt nhỏ mũi… để có thể giúp trẻ vệ sinh và ủ ấm cơ thể ngay sau khi tắm. Nơi tắm cho trẻ phải kín để gió không thể lùa vào.
Nếu như không sử dụng các loại lá mát để tắm cho bé thì mẹ hãy lựa chọn loại xà phòng tắm chuyên dùng cho trẻ sơ sinh với thành phần tự nhiên và phải nhớ lau khô người cho bé rồi mới mặc quần áo. Nếu thời tiết mùa đông thì không nhất thiết phải tắm cho trẻ hàng ngày.
2.3. Đội mũ và quấn tã cho trẻ đúng cách
Nhiều mẹ sợ con lạnh nên đội mũ liên tục bất kể ngày đêm, dù thời tiết nóng hay lạnh, tuy nhiên thói quen này hoàn toàn không tốt.
Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi thường thoát nhiệt qua da đầu nên mẹ hãy chú ý khu vực sau gáy của trẻ, nếu thời tiết nóng thì ban đêm hoặc khi đi ra ngoài chỉ cần đội cho con mũ che thóp còn khi ở trong nhà thì hãy để đầu bé được thông thoáng. Cơ thể trẻ sơ sinh chưa thể tự điều hòa thân nhiệt nên nếu cứ đội mũ kín mít thì sẽ khiến mồ hôi ra nhiều, trẻ sẽ ngứa ngáy và quấy khóc, nhiều trường hợp sẽ làm tăng thân nhiệt và khiến trẻ bị sốt cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, quấn tã chặt sẽ giúp trẻ không bị giật mình và ngủ ngon hơn, ít quấy khóc hơn, tuy nhiên nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc làm này hoàn toàn sai lầm. Hành động quấn tã chặt có nguy cơ làm ép khớp háng của trẻ phải duỗi thẳng và hướng ra trước, làm cho chân của trẻ bị lệch trục, bí bách, nóng, khó chịu….
Chú ý đến việc quấn tã cho trẻ
2.4. Chăm sóc da, mắt, lưỡi, mũi cho trẻ
Trong chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi cần phải chú ý đặc biệt đến làn da, đôi mắt non nớt của trẻ. Việc chăm sóc da và mắt cũng như chọn các sản phẩm chăm sóc da cần tuân thủ nguyên tắc:
- Không để da bé tiếp xúc với các loại xà phòng thô, mỹ phẩm có chất kích thích.
- Cần thay tã ngay khi tã ướt và sử dụng các sản phẩm dịu nhẹ để chống lại sự kích thích (phân, nước tiểu…) làm da bé hăm đỏ.
- Luôn giữ cho da trẻ có độ ẩm thích hợp.
- Không để hóa chất độc hại ảnh hưởng đến mắt trẻ. Nếu trẻ bị chảy nước mắt và ghèn nhiều trong những ngày đầu sau sinh thi hãy vệ sinh mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý trẻ em hàng ngày.
- Sử dụng khăn riêng để lau mặt cho bé.
Ngoài ra, những bộ phận như mũi, lưỡi cũng cần phải vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh và làm sạch lưỡi để làm giảm số lượng những sinh vật gây hại trong miệng và giúp trẻ cảm nhận được hương vị tốt hơn.
2.5. Một số lưu ý khác
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi không thể thiếu việc đo nhiệt độ cho trẻ hàng ngày. Sức khỏe của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm nên hãy chuẩn bị một chiếc nhiệt kế để đo nhiệt độ cơ thể mỗi khi thấy bé nóng lên hay chân tay lạnh.. Nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh là từ 36,5 đến 37 độ C.
- Nếu nhiệt độ cao hơn 37,5 độ C thì nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thông thoáng và bỏ bớt chăn cho trẻ, cho bé bú nhiều hơn.
- Nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ C thì có nghĩa trẻ đã bị sốt, nếu lau mát và hạ sốt không có tác dụng thì hãy đưa trẻ đến khám và điều trị ngay tại các cơ sở y tế.
Sức đề kháng của trẻ còn kém nên tuyệt đối không được để người khác ôm, hôn vào miệng trẻ
Một điều đặc biệt lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi mà cha mẹ nhất định phải nhớ, đó là cơ thể trẻ sơ sinh rất yếu ớt, sức đề kháng kém nên tuyệt đối không được để người khác ôm, hôn vào miệng trẻ, việc làm này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và các loại vi trùng có hại xâm nhập, gây bệnh cho trẻ.
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi sẽ rất bỡ ngỡ đối với những gia đình lần đầu tiên chào đón em bé. Tuy nhiên cha mẹ và người thân khác của bé nên cố gắng học cách chăm sóc trẻ đúng cách, bởi sự chăm sóc trong những ngày đầu đời này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bé sau này.
Xem thêm: Trẻ sinh non ở tuần 35 cần được chăm sóc như thế nào?