Bệnh tay chân miệng ở trẻ, bố mẹ không nên chủ quan!
Nội dung tóm tắt
Tay chân miệng là bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ và dễ bùng phát thành dịch. Nếu cha mẹ không biết rõ các dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ cụ thể, trẻ sẽ có nguy cơ cao đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
1. Không chủ quan với bệnh tay chân miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ là dạng bệnh lây nhiễm, thường gặp nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus coxsackievirus A16 và enterovirus 71. Đây là những loại virus sống trong đường tiêu hóa và lây từ người sang người qua việc tiếp xúc thông thường. Bệnh có 2 thể:
- Do virus coxsackievirus A16 gây ra: Đây là thể nhẹ, có thể tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị.
- Do virus enterovirus 71: Đây là thể nặng, rất nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời, dễ dẫn đến tử vong.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời tay chân miệng ở trẻ có thể gây biến chứng phù phổi cấp
Phần lớn bệnh tay chân miệng ở trẻ có diễn biến nhẹ nhưng cũng có trường hợp gặp phải biến chứng nguy hiểm với các triệu chứng chuyển biến nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể rơi vào các tình huống nghiêm trọng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.
2. 6 dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ nhỏ
Ở giai đoạn đầu, bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có các triệu chứng tương tự như bệnh cúm. Trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, sốt nhẹ (dao động từ 38 – 39°C), đau cổ họng.
Sau khoảng 1 – 2 ngày, bé sẽ bị nổi bóng nước trên da, quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay và bàn chân, mông hoặc xung quanh hậu môn. Những dấu hiệu này được xem là bệnh tay chân miệng thể nhẹ, khi phát hiện, bạn nên đưa trẻ đi khám để nhận được hướng dẫn điều trị phù hợp.
Ngoài những triệu chứng trên, bạn cần đặc biệt lưu tâm đến 6 triệu chứng sau bởi đây là những triệu chứng cho thấy trẻ mắc tay chân miệng thể nặng với những biến chứng cực kỳ nguy hiểm.
2.1. Khó thở
Bệnh tay chân miệng ở trẻ gây khó thở, đây là là biểu hiện của tình trạng suy tim, rối loạn huyết động… Bạn có thể phát hiện triệu chứng khó thở của trẻ bằng cách quan sát các dấu hiệu co rút cơ hô hấp ở mũi, trẻ thở khó nhọc, thở nhanh hơn bình thường, cánh mũi phập phồng…
2.2. Sốt cao liên tục không hạ
Trẻ sốt cao kéo dài dù đã dùng thuốc hạ sốt
Trẻ sốt cao trên 38,5°C, kéo dài hơn 48 giờ không hạ dù đã được cho uống paracetamol theo đúng liều lượng quy định. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ có nguy cơ bị nhiễm độc thần kinh, lúc này bạn cần đưa trẻ đi khám ngay để được điều trị bằng thuốc hạ sốt liều cao.
2.3. Giật mình
Giật mình là một trong những triệu chứng thường gặp của nhiễm độc thần kinh và có thể xảy ra ngay cả khi trẻ đang chơi. Bạn cần quan sát xem tần suất của tình trạng này có tăng theo thời gian hay không.
2.4. Tiểu ít
Đây là dấu hiệu sớm của bệnh tay chân miệng ở trẻ thể nặng. Tiểu ít là biểu hiện của tình trạng rối loạn huyết động, tụt huyết áp, suy thận. Bạn nên quan sát và đánh giá lượng nước tiểu hàng ngày của trẻ bằng cách thu thập nước tiểu vào các dụng cụ có thể đo lường như chai nhựa để có cách can thiệp và xử lý kịp thời.
2.5. Quấy khóc dai dẳng kéo dài
Quấy khóc, thậm chí cả ban đêm cũng là một trong những biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ
Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Có thể trẻ chỉ ngủ được khoảng 15 đến 20 phút rồi lại thức dậy quấy khóc. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng bé khóc là do các vết lở trong miệng nhưng thực chất đây có thể là tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm do bệnh tay chân miệng ở trẻ gây ra.
2.6. Rối loạn ý thức
Đây là một trong những triệu chứng cần đặc biệt lưu ý của tay chân miệng ở trẻ, bởi nó có thể là biểu hiện của viêm não, huyết áp thấp… Bạn cần phát hiện sớm bằng cách quan sát xem trẻ có các biểu hiện ngủ gà, chậm chạp, loạng choạng hay không.
3. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tay chân miệng?
Như đã đề cập ở trên, trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Ngoài ra, bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ lớn hơn và người lớn. Ở vùng ôn đới, bệnh xảy ra nhiều nhất là vào mùa hè và đầu mùa thu. Riêng những quốc gia thuộc vùng có khí hậu nhiệt đới, bệnh có thể xảy ra quanh năm.
Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất
Nếu bé yêu nhà bạn thường xuyên đến những nơi công cộng như nhà trẻ, sân chơi kém vệ sinh… bé sẽ có nguy cơ cao bị mắc bệnh này.
Ngoài ra, một số yếu tố khác khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn, chẳng hạn như:
- Vệ sinh cá nhân kém tạo ra nhiều cơ hội cho virus xâm nhập vào cơ thể.
- Thường xuyên tiếp xúc với nhiều người nơi công cộng sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh, do tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan.
4. Cách điều trị và chăm sóc
Bệnh chân – tay – miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Các biện pháp điều trị mà cha mẹ có thể thực hiện tại nhà (theo chỉ định của bác sĩ):
- Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad…
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…
Cho trẻ ăn thức ăn lỏng
- Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt…Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.
5. Cách ngăn ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
Hiện nay, chưa có vắc xin nào phòng ngừa bệnh này. Bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc với nước bọt, dịch nhầy từ mũi hoặc chất dịch tiết ra khi nốt phồng bị vỡ.
Một số điều bạn có thể làm nhằm hạn chế nguy cơ con mắc bệnh là:
- Cho bé nghỉ ngơi ở nhà, không cho con tiếp xúc với các trẻ khác cho đến khi bé khỏi bệnh.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch nhiều lần trong ngày (kể cả người lớn lẫn trẻ em), nhất là trước mỗi bữa ăn và sau khi đi vệ sinh, kể cả sau khi thay tã cho bé.
- Bạn và mọi người trong gia đình bạn phải rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc làm vệ sinh cho trẻ, trước khi chuẩn bị thức ăn hoặc sau khi ăn.
- Rửa, khử trùng đồ chơi và các đồ vật khác mà bé tiếp xúc. Chú ý thường xuyên phải lau sạch các bề mặt hay tiếp xúc như nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế bằng xà phòng và các chất tẩy rửa thông thường.
- Tuyệt đối không mớm thức ăn cho trẻ, đồng thời cũng không cho bé ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi hoặc chạm vào bất kỳ vật dụng nào chưa được khử trùng.
- Giặt quần áo, drap trải giường, chăn màn bằng xà phòng và nước nóng, phơi dưới ánh nắng mặt trời
- Thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi và đảm bảo các dụng cụ nấu nướng, chén bát đã được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.
- Dạy trẻ cách rửa tay sạch sẽ.