Bệnh hở van tim và những điều cần biết!
Nội dung tóm tắt
Hở van tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến nhất. Bệnh thường gây cho chúng ta nhiều lo lắng. Tuy nhiên, một đố điều phổ biến mà nhiều người vẫn còn nhầm tưởng.
Hở van tim còn gọi là suy van tim là bệnh lý có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào. Khi khởi phát, bệnh có ít hoặc không có triệu chứng, rất khó nhận biết. Ở thể nặng, các triệu chứng rõ rệt hơn, gây nhiều ảnh hưởng đến hoạt động tim mạch và sức khỏe.
1. Bệnh hở van tim là gì?
Hở van tim còn gọi là suy van tim
Hở van tim là bệnh lý ở tim, xảy ra khi các van tim đóng lại không kín dẫn đến dòng máu trào ngược lại trong thời kỳ đóng van. Vì vậy, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lại khối lượng máu bị thiếu hụt do trào ngược. Tim làm việc “quá tải” là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như phù, rối loạn nhịp tim, suy tim.
2. Bệnh hở van tim gồm mấy loại?
Cấu trúc một quả tim bình thường gồm có 4 van tim: van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi. Cụ thể:
- Van ba lá ngăn giữa tâm thất phải và tâm nhĩ phải.
- Van hai lá ngăn giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái.
- Van động mạch phổi ngăn giữa tâm thất phải với động mạch phổi.
- Van động mạch chủ ngăn giữa tâm thất trái với động mạch chủ.
Mỗi van tim đều có chức năng khác nhau, chỉ đóng lại khi máu đã thực hiện bơm ra khỏi buồng của tim.
Có 4 loại hở van tim tương ứng với 4 loại van tim
Bệnh hở van tim gồm có bốn loại:
- Bị hở van tim hai lá: máu trào ngược lại buồng nhĩ trái.
- Bị hở van tim ba lá: máu trào ngược lại buồng nhĩ phải.
- Bị hở van động mạch chủ: máu trào ngược lại tâm thất trái.
- Bị hở van động mạch phổi: máu trào ngược về tâm thất phải.
3. Nguyên nhân của bệnh là gì?
Có 2 nguyên nhân chính gây hở van tim:
– Bẩm sinh: dị tật bẩm sinh ở tim ngay từ lúc mới sinh ra.
– Các bệnh lý tim mạch mắc phải:
- Bệnh lý van tim do hậu khớp, thấp tim.
- Bệnh lý van tim do lão hóa: Tuổi già, nhồi máu cơ tim, thiếu máu tim.
- Các bệnh lý hiếm gặp: Cơ tim giãn nở, viêm nội tâm mạc, phình động mạch chủ, viêm nội tâm mạc.
- Van tim bị hư, các dây chằng và phần cơ giữ van tim bị đứt, bị giãn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh hở van tim
4. Triệu chứng của bệnh hở van tim
Hở van tim biểu hiện nhiều triệu chứng tuỳ thuộc vào mức độ hở và diễn tiến, ảnh hưởng lên chức năng của tim:
Mức độ nhẹ thường không triệu chứng, mức độ hở nặng và kéo dài có thể biểu hiện:
- Hay mệt mỏi, khó thở, đặc biệt là khi tăng cường vận động.
- Hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh.
- Rối loạn nhịp.
- Choáng váng khi thay đổi tư thế.
Cảm thấy choáng váng cũng là biểu hiên của bệnh hở van tim
- Đau ngực, từ âm ỉ nặng ngực cho tới đau nhói nhiều.
- Phù, dễ thấy ở chân.
- Huyết khối ở các cơ quan,
- Ho ra máu.
5. Bệnh hở van tim có nguy hiểm không?
Để đánh giá hở van tim có nguy hiểm không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại van hở, mức độ hở, kích thước buồng tim, các bệnh lý mắc kèm như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tiểu đường…
Quy ước trên siêu âm tính độ hở của van tim gồm có 4 mức là 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Trường hợp van tim chỉ hở từ 2/4 trở xuống thì chưa phải điều trị mà chỉ cần tái khám định kỳ và theo dõi. Trừ trường hợp hở van tim là biến chứng của bệnh lý khác như nhồi máu cơ tim, thấp tim, thiếu máu cơ tim.
Van tim bị hở từ 2/4 trở lên cần phải kiểm tra sớm để xác định nguyên nhân để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Khi van tim bị hở 3/4 trở lên phải điều trị tích cực, theo dõi sát sao. Nếu bị hở từ 3,5/4 trở lên, người bệnh phải thực hiện phẫu thuật van tim hoặc thay van tim nhân tạo.
Bệnh hở van tim mạn có đặc điểm khi hở nhẹ hoặc thời gian đầu thì triệu chứng nghèo nàn. Nhưng theo thời gian, chức năng của tim sẽ giảm dần dẫn đến suy tim mạn. Nhất là trên những bệnh nhân có các bệnh tim khác kèm theo như: tăng huyết áp, bệnh mạch vành,…
Biến chứng nhồi máu cơ tim
Đồng thời, những bệnh nhân hở van tim sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch khác như: Thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng,…
Trong các trường hợp hở van cấp tính, bệnh nhân có thể có những triệu chứng rất nghiêm trọng: Truỵ tim mạch, tụt huyết áp, ngất, thậm chí là tử vong.
6. Bệnh hở van tim có chữa được không?
Bệnh hở van tim gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Chẩn đoán
Khám lâm sàng:
Khám lâm sàng bằng ống nghe
- Ống nghe tim: Hở van tim thường tạo ra âm thanh là tiếng thổi do dòng chảy bất thường của máu.
- Các triệu chứng mà người bệnh đang mắc phải.
- Tiền sử gia đình, bệnh lý.
Khám cận lâm sàng:
- Điện tâm đồ.
- Chụp X-quang ngực.
- Siêu âm Doppler tim.
- Thông tim.
Một số xét nghiệm cận lâm sàng khác: Chụp cộng hưởng từ, chụp CT scanner ngực, xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu, chụp cắt lớp đa dãy…
Điều trị
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, diễn tiến của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể.
Hở van tim ở giai đoạn nhẹ:
- Dùng thuốc: Thuốc lợi tiểu (furosemide, hydroclorothiazide, spironolactone), Digitalis, thuốc làm giảm hậu gánh, thuốc giãn mạch nhóm nitrate, thuốc chống đông máu, thuốc chẹn beta giao cảm…
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc phù hợp như ăn uống giảm muối, giảm mỡ, hạn chế bia rượu, thuốc lá và không lao động quá sức để sống hòa bình với bệnh.
Điều trị hở van tim bằng thuốc
Khi sử dụng thuốc, cần tuân thủ đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ. Tránh ngưng sử dụng hoặc sử dụng loại thuốc khác vì có thể ảnh hưởng đến phác đồ điều trị. Nếu xảy ra bất kỳ dấu hiệu khác thường, cần tái khám hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ sớm.
Hở van tim nặng:
Phẫu thuật sửa chữa hoặc thay van tim
Trường hợp van tim bị tổn thương nặng, có nguy cơ suy tim, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị can thiệp:
- Phẫu thuật sửa van tim: Bác sĩ dựa vào tình trạng hở van tim mà có cách can thiệp như cắt hoặc khâu để các lá van khép kín với nhau.
- Phẫu thuật thay van tim: Áp dụng khi phẫu thuật sửa van tim không có hiệu quả. Bác sĩ cắt bỏ van tim và thay thế bằng van tim nhân tạo (van tim cơ học hoặc van tim sinh học).
7. Hở van tim nên ăn gì?
Chế độ ăn của người bệnh này không có gì đặc biệt hơn những bệnh nhân bệnh tim mạch khác. Một số điểm mang lại lợi ích:
- Bổ sung thêm rau xanh, trái cây.
- Các loại ngũ cốc, các loại hạt.
- Những loại cá như có hồi, cá thu, cá trích chứa nhiều chất béo có lợi.
Cá hồi chứa nhiều omega-3, tốt cho người hở van tim
- Giảm muối ăn.
- Tránh thực phẩm đóng hộp, nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế các thực phẩm nhiều cholesterol như da và nội tạng động vật.
- Không nên sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu,…
- Thức uống có gas, đồ ngọt cũng là những thứ nên hạn chế.
Xem thêm: Tổng quan về bệnh hẹp van tim