Điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ như thế nào?
Nội dung tóm tắt
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là tình trạng có thể xuất hiện ở bất cứ ai nhưng thường gặp nhất ở những người ở độ tuổi trung niên trở lên, người lao động nặng làm những công việc khuân vác. Bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ khiến cho vùng cột sống cổ phải chịu áp lực lớn.
1. Phân loại bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là một bệnh thường gặp và có biến chứng rất nguy hiểm khi có nhiều loại thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ tùy từng nguyên nhân dẫn đến bệnh mà người ta phân thành nhiều loại khác nhau. Dưới đây là phân loại các bệnh thoát vị đĩa đệm ở đốt sống cổ.
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ thường có những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời
Thoát vị đĩa đệm đốt ống cổ liên quan tới rễ thần kinh và tủy sống
+ Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ trung tâm: chủ yếu chèn ép tủy sống gây ra bệnh lý tủy.
+ Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ cạnh trung tâm: chèn ép cả tủy sống và rễ thần kinh gây ra bệnh lý rễ – tủy.
+ Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ bên (thoát vị lỗ gian đốt sống): chủ yếu chèn ép vào rễ thần kinh gây ra bệnh lý rễ.
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ phân loại theo giải phẫu bệnh
+ Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ mềm: Là thoát vị nhân nhầy thường gặp ở người tương đối trẻ, không có hoặc có ít biểu hiện thoái hóa đi kèm. Loại thoát vị này thường diễn ra cấp tính, có thể sau một chấn thương.
+ Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cứng: Thực ra là các gai xương do thoái hóa, xuất phát từ thân đốt sống hay mỏm móc, thường xảy ra ở người cao tuổi hơn và diễn biến kéo dài hơn.
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ phân loại theo liên quan với dây chằng dọc sau
+ Loại 1: Đĩa đệm ở đốt sống cổ bị phồng lên, vòng sợi chưa bị rách hết, nhân nhầy vẫn còn nằm trong vòng sợi nhưng lệch vị trí.
+ Loại 2: Lồi đĩa đệm cột sống cổ: Khối thoát vị đã xé rách vòng sợi, nằm ở trước
dây chằng dọc sau.
+ Loại 3: Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thực sự: khối thoát vị đã chui qua dây chằng dọc sau nhưng vẫn còn dính liền với nhân nhầy nằm trước dây chằng dọc sau.
+ Loại 4: Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có mảnh rời: có một phần khối thoát vị tách rời ra khỏi đĩa đệm, nằm trước dây chằng dọc sau, có thể di chuyển đến mặt sau thân đốt sống. Mảnh rơi này thường nằm ngoài màng cứng, nhưng đôi khi lại xuyên qua màng cứng chèn ép tủy.
Thoái hoá đốt sống cổ được phân thành nhiều loại khác nhau
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là hiện tượng vỏ bao xơ của một hoặc một số đĩa đệm nằm giữa các đốt sống cổ bị suy yếu gây ra rách, vỡ, nứt dẫn đến việc nhân nhầy bên trong đĩa đệm bị thoát ra ngoài. Khi đó các đĩa đệm bị thoát vị sẽ bị lệch khỏi vị trí cân bằng mặc định của nó, rễ dây thần kinh xung quanh và tủy sống có nguy cơ cao bị chèn ép và xảy ra triệu chứng đau đớn đối với người bênh.
Cột sống của con người được chia thành 24 đốt sống khác nhau, chúng nối tiếp nhau tạo thành cột sống và trải dài từ cổ đến lưng dưới tiếp giáp với xương cụt. Ở giữa các đốt sống này đều có 1 đĩa đệm, nó đóng vai trò làm bộ phận đảm bảo sự êm ái khi các đốt xương hoạt động. Đĩa đệm giúp cho các đốt xương cột sống không bị cọ sát vào nhau, giống như 1 chiếc lò so để giảm đi sự rung xóc khi cơ thể vận động.
Cột sống cổ là vị trí thường phải chịu những tác động do sự vận động linh hoạt của đầu cổ. Bất cứ đĩa đệm ở đốt sống cổ nào cũng có thể bị thoát vị, tuy nhiên thoát vị đĩa đệm ở đốt sống cổ C5 C6 là phổ biến nhất. Đây là hai đốt sống phải chịu tác động lớn nhất khi cơ thể vận động ở đầu, cổ, vai gáy.
2. Thoát vị đĩa đệm cổ C4 – C5 – C6 – C7
Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cổ c4 c5 c6 c7 đang ngày càng tăng cao. Đây được coi là dạng thoát vị cột sống cổ phổ biến nhất với tỷ lệ hơn 36% người mắc.
Cột sống cổ gồm 7 đốt, được đánh dấu từ trên xuống bắt đầu c1 đến c7. Trong đó c4 c5 c6 c7 là các đốt sống nằm ở vị trí cuối của cột sống cổ, chịu nhiều tác động hơn cả khi vùng cổ bị tổn thương. Do đó, phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán là thoát vị đĩa đệm cổ ở vùng c4 c5 c6 c7.
Thoát vị đĩa đệm cổ c4 c5 c6 c7 là dạng thoát vị cột sống cổ phổ biến nhất
2.1. Những biểu hiện của thoát vị đĩa đệm cổ c4 c5 c6 c7
Khi nhân nhầy bên trong đĩa đệm dịch chuyển ra ngoài sẽ chèn ép lên tủy, cơ, dây chằng, dây thần kinh tọa cùng các vùng xung quanh, gây nên hiện tượng đau nhức vùng cổ, vai gáy và có thể lan dần ra cánh tay, cẳng tay.
Phần lớn bệnh nhân có dấu hiệu khởi phát từ từ, tùy vào từng giai đoạn mà các triệu chứng đau này sẽ có những biểu hiện khác nhau:
Giai đoạn 1: Phình lồi đĩa đệm
Cấu trúc một đĩa đệm bình thường bao gồm nhân nhầy và lớp bao xơ bao bọc bên ngoài. Trong giai đoạn khởi phát này đĩa đệm gần như chưa bị tác động, lớp nhân nhầy bên trong mới bắt đầu có dấu hiệu biến dạng. Do đó, các cơn đau thường biểu hiện nhẹ, cảm nhận đau rõ ràng hơn khi người bệnh cúi hoặc quay đầu sang hai bên.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân còn cảm thấy thêm tình trạng tê cứng phần cổ. Đây là thời điểm vàng trong việc điều trị và ngăn ngừa hiệu của những biến chứng của bệnh.
Giai đoạn 2: Sa đĩa đệm
Theo thời gian, lớp bao xơ đã bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Lúc này các dây thần kinh bắt đầu bị chèn ép, tình trạng đau bắt đầu dữ dội hơn. Bệnh nhân sẽ cảm thấy cứng và khó xoay phần cổ. Cơn đau sau đó có thể lan xuống vùng vai.
Thoát vị đĩa đệm diễn biến qua 4 giai đoạn với những triệu chứng khác nhau
Giai đoạn 3: Thoát vị đĩa đệm
Bao xơ bị tổn thương nếu không kịp điều trị sẽ bị rách và dẫn tới hiện tượng thoát vị đĩa đệm. Nhân nhầy dịch chuyển ra ngoài, chèn ép lên các cơ quan quanh đốt sống như lớp cơ, dây chằng, dây thần kinh gây đau dữ dội, cường độ mạnh hơn rất nhiều.
Cơn đau xuất hiện tại vùng tổn thương và vùng trán, vùng chẩm, sau gáy; sau có xuống và gây tê bì vùng bả vai, cánh tay, cẳng tay. Cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều trường hợp cần phải có sự hỗ trợ của người nhà trong quá trình sinh hoạt.
Giai đoạn 4: Thoát vị đĩa đệm có mảnh rời
Đây được coi là giai đoạn nặng nhất của bệnh. Nhân nhầy dịch chuyển ra ngoài khi này không còn liên kết với nhau tạo thành một khối như giai đoạn trước. Người bệnh có nguy cơ phải đối mặt với một loạt những biến chứng nguy hiểm không thể hồi phục như teo cơ, liệt chị, liệt nửa người…
2.2. Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cổ c4 c5 c6 c7
Theo các chuyên gia cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm cổ vùng c4 c5 c6 c7. Chúng bao gồm:
- Lão hóa: Khi cơ thể bước qua tuổi các lớp sụn cũng như bao xơ bắt đầu bị thoái hóa nên dễ rách dẫn tới tình trạng thoát vị đĩa đệm.
- Chấn thương cột sống: Chấn thương khiến bao xơ bị rách và khiến nhân nhầy bên trong dịch chuyển ra ngoài. Tình trạng này có thể xảy ra khi người bệnh gặp tai nạn như: Ngã, tai nạn giao thông, tai nạn tập gym….
- Hoạt động sai tư thế kéo dài: Các tư thế như ngồi, cúi, dùng lực cột sống mang vác nặng… thường xuyên có thể tác động đến cột sống. Một số nghề nguy cơ cao có thể kể đến như: Nhân viên văn phòng, lái xe, thợ may…
- Béo phì hoặc mang thai: Nguyên nhân do cột sống và đĩa đệm chịu áp lực nặng nề khi gồng gánh trọng lượng nặng kéo dài dẫn đến bị tổn thương.
2.3. Thoát vị đĩa đệm cổ c4 c5 c6 c7 có nguy hiểm không?
Ở giai đoạn đầu người bệnh có thể không thấy cuộc sống bị ảnh hưởng gì nhiều, do các triệu chứng thoát vị đĩa đệm thường nhẹ và không rõ ràng. Tuy nhiên càng kéo dài bệnh thì các cơn đau và hiện tượng tê bì càng dữ dội. Tình trạng này không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, mà quá trình sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nếu không được điều trị kịp thời, thoát vị đĩa đệm cổ c4 c5 c6 c7 có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm
Bên cạnh đó, thoát vị đĩa đệm cổ c4 c5 còn có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm và có thể ảnh hưởng suốt đời như:
- Ảnh hưởng thần kinh: Thường xuyên gây đau nhức, khó chịu vùng cổ.
- Rối loạn cảm giác: Biểu hiện là sự rối loạn tiểu tiện, tê bì và khó cử động vùng vai-gáy-cánh tay.
- Teo cơ: Khả năng vận động như đi lại, cầm nắm… gặp nhiều khó khăn.
- Liệt nửa người: Giới hạn chuyển động vĩnh viễn (tàn phế).
Thoát vị đĩa đệm cổ c4 c5 không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động tiêu cực tới đời sống của bệnh nhân. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị bảo tồn nếu như được phát hiện sớm. Bởi vậy khi thấy bản thân có dấu hiệu bất thường, bạn cần nhanh chóng đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được hỗ trợ kịp thời.
3. Điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ như thế nào?
Việc lựa chọn phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cổ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả lâm sàng, cận lâm sàng và tình hình cụ thể ở người bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định 2 dạng điều trị sau:
- Điều trị thoát vị đĩa đệm cổ dạng thông thường:
Điều trị nội khoa để kê toa thuốc và có thể kết hợp với nẹp cổ, giảm đau, nắn khớp và vật lý trị liệu.
Sử dụng nẹp cổ hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
- Điều trị bằng phẫu thuật:
Thực hiện khi điều trị nội khoa không mang lại kết quả và người bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm. Hiện nay, có các phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ít xâm lấn và chi phí tiết kiệm như:
- Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng nội soi;
- Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng lối trước;
- Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng lối trước kết hợp với hàn xương hay thay đĩa đệm nhân tạo.
4. Lưu ý trong điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Đối với bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nặng và điều trị ngoại khoa không mang lại kết quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cổ bằng nội soi. Đây là một phương pháp được thực hiện ở Châu Âu từ năm 1991, giúp mang lại hiệu quả mà không phá huỷ cơ vùng cổ, xương, vết mổ rất nhỏ và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.
Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cổ được chỉ định trong trường hợp:
- Bệnh nhân có lỗi đĩa đệm cột sống cổ nhiều tầng;
- Thoát vị đĩa đệm mãn tính;
- Bệnh nhân bị đau, nặng ở cổ và tay, có hoặc không có yếu, tê bì, kim châm ở da;
- Đau mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cổ nội khoa như nẹp, kéo cổ, thư giãn cơ hoặc vật lý trị liệu;
- Bệnh nhân với lỗi đĩa đệm và gai xương ở những tần lân cận.
Phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm cổ sẽ không được chỉ định ở trường hợp bệnh nhân:
- Bị hẹp ống sống nặng (phát triển nhiều xương trong tủy sống);
- Bị đau ở cổ và tay gây ra bởi thoát vị đĩa đệm;
- Bị thoát vị đĩa đệm và hẹp ở sống nhẹ.
Bệnh nhân bị hẹp đốt sống nặng sẽ không được chỉ định điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ bằng phẫu thuật
Để cuộc phẫu thuật diễn ra thành công và an toàn thì người bệnh phải lưu ý lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn. Quá trình diễn biến sau phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cổ đa số bệnh nhân cảm thấy giảm đau, có thể đi lại được trong ngày. Bệnh nhân có thể vận động bình thường lại trong vòng 1 đến 6 tuần sau phẫu thuật.
Những bệnh nhân mổ thoát vị đĩa đệm cổ đường trước thường bị đau khi nuốt sau phẫu thuật. Người bệnh nên chịu khó uống nước, nói chuyện và tập nuốt để giúp giảm đau nhanh.
Trong trường hợp bệnh nhân phải đặt mảnh ghép và cố định nẹp vít cột sống cổ thì sẽ phải mang nẹp cổ cứng từ 3 – 6 tuần. Nẹp cổ sẽ gây cảm giác khó chịu, đau đớn do va chạm vào hàm, vai và xương đòn. Đặc biệt, sau vài ngày đầu mang nẹp cổ cứng, người bệnh sẽ có cảm giác mỏi và cứng gáy, hai vai, sau khoảng 6 tuần thì cảm giác đau sẽ giảm nếu như người bệnh tích cực tập luyện.
5. Một số bài tập yoga chữa thoát vị đĩa đệm cổ
Có nhiều ý kiến cho rằng, quá trình chữa bệnh thoát vị đĩa đệm cần hạn chế vận động càng nhiều càng tốt, tuy nhiên điều này hoàn toàn sai lầm. Hiệu quả điều trị là kết quả của quá trình kết hợp giữa các phương pháp điều trị chuyên khoa và sự kiên trì luyện tập của bệnh nhân dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Dưới đây là một số bài tập thoát vị đĩa đệm cổ được khuyến khích áp dụng để giúp xoa dịu cơn đau và giảm co cứng cổ ở người bệnh như:
5.1. Bài tập căng cổ sang bên
Với bài tập căng cổ sang bên này, người bệnh cần ngồi thẳng lưng trên sàn, ở tư thế bắt chéo chân. Tay phải cần duỗi thẳng, tay trái đặt lên đỉnh đầu.
Bài tập căng cổ sang bên
Tiếp theo, người bệnh nhẹ nhàng đẩy đầu sang trái và giữ yên tư thế trong khoảng 10 giây, rồi từ từ nâng đầu thẳng lên. Bài tập này nên lặp lại 5 lần cho mỗi bên.
5.2. Bài tập tác động hai bên cổ, ngồi vặn mình
Để thực hiện bài tập tác động hai bên cổ, ngồi vặn mình này, người bệnh ngồi ở tư thế thẳng lưng vuông góc với sàn nhà, 2 chân chụm vào nhau rồi gập đầu gối trái sang bên phải sao cho gót chân trái chạm vào mông bên phải. Chân phải gập và đặt vào bên cạnh đầu gối trái. Tiếp tục thực hiện động tác xoay cổ, vai và eo về phía bên phải và giữ cột sống thẳng.
Bài tập tác động hai bên cổ, ngồi vặn mình
Thực hiện tác động hai bên cổ, ngồi vặn mình ngồi vặn mình bằng cách đặt tay phải ra phía đằng sau rồi chống tay trái lên đầu gối phải, giữ yên tư thế trong khoảng 60 giây rồi trở về tư thế ngồi thẳng ban đầu và đổi bên, thực hiện động tác tương tự. Quá trình thực hiện động tác nên hít thở chậm và sâu.
5.3. Bài tập duỗi cổ
Bài tập duỗi cổ này giúp tăng cường hoạt dịch các đốt sống, căng ngực, cổ và cột sống. Khi bắt đầu, người bệnh cần ngồi gập gối lên trên gót chân rồi ngả người ra sau và chống 2 tay sao cho lòng bàn tay tiếp xúc với sàn, đầu ngón tay hướng ra phía ngoài. Thực hiện động tác nâng ngực, uốn cong lưng và hạ thấp đầu ra phía sau rồi duỗi cổ, kéo căng cơ ngực. Giữ yên tư thế trong vòng 30 giây rồi từ từ nâng đầu và thân người lên để trở về tư thế ban đầu.
5.4. Bài tập đứng cúi gập người
Bài tập đứng cúi gập người có thể hỗ trợ chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ và tăng cường sự dẻo dai cho phần thân trên. Để thực hiện động tác này, người bệnh đứng thẳng, 2 bàn chân song song mặt đất, lưng thẳng, ngực ưỡn.
Tiếp tục vươn 2 tay lên cao và hướng thẳng lên trần nhà rồi hít sâu, gập người về phía trước hết mức cho đến khi tay chạm sàn thì thở ra, cố gắng giữa lưng thẳng. Giữ yên tư thế này trong khoảng 5 giây rồi nâng người trở về tư thế ban đầu, lặp lại bài tập này khoảng 5 lần.
Bài tập đứng cúi gập người
Để nâng cao hiệu quả khi thực hiện các bài tập thoát vị đĩa đệm trên, người bệnh nên chú ý kết hợp nhịp nhàng giữa nhịp thở và chuyển động. Hãy mặc những loại trang phục có độ co giãn và thấm hút mồ hôi tốt, nếu như gặp phải các triệu chứng như đau cột sống thì hãy dừng tập và tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Mặc dù yoga cho người thoát vị đĩa đệm cổ có khả năng hỗ trợ làm giảm mức độ khó chịu của cơn đau nhưng để chữa bệnh dứt điểm thì người bệnh cần được thăm khám và tiếp cận đúng phương pháp điều trị thích hợp. Hãy đến khám tại các đơn vị chuyên khoa Cột sống có uy tín để xác định chính xác nguyên nhân gây đau, điều trị tận gốc đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.